Hồn Việt từ những ngôi đình làng

Đình làng là kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa của người Việt từ hàng trăm năm trước. Không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, đình làng còn là nơi chứng kiến những hoạt động văn hóa vật thể và phi vật thể, nơi gắn kết và biểu lộ đời sống sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Triển lãm về nghệ thuật chạm khắc của đình làng Việt Nam đang được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97A Phó Đức Chính, quận 1).
Hồn Việt từ những ngôi đình làng

Đình làng là kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa của người Việt từ hàng trăm năm trước. Không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, đình làng còn là nơi chứng kiến những hoạt động văn hóa vật thể và phi vật thể, nơi gắn kết và biểu lộ đời sống sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Triển lãm về nghệ thuật chạm khắc của đình làng Việt Nam đang được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97A Phó Đức Chính, quận 1).

        Hình ảnh rồng tiên ở đình làng

Được hình thành từ thế kỷ XV, định hình vào thế kỷ XVI, phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, đình là linh hồn của một ngôi làng người Việt, là kiến trúc chung của cả cộng đồng, là nơi tụ họp khi làng có việc, là địa điểm diễn ra lễ hội cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu - những ký ức văn hóa sâu thẳm vẫn được cất giấu nơi đây.

Ở nhiều miền quê Bắc bộ, đình làng đồng thời là nhà hát của làng xã hoặc cả vùng, là nơi nuôi dưỡng các thể loại diễn xướng dân gian như ca trù, hát xoan, chèo, quan họ… Thường ngày, đình làng còn là địa điểm của cánh đàn ông nông nhàn sau vụ mùa, ngồi nhâm nhi ấm trà, điếu thuốc cùng nhau bàn luận chuyện đầu làng cuối xóm; là nơi ru giấc ngủ trưa hè của đám trẻ nhỏ; là địa điểm trai gái hẹn hò những đêm trăng…

Đình Chèm ở xã Thụy Phương, Từ Liêm (Hà Nội).

Đình Chèm ở xã Thụy Phương, Từ Liêm (Hà Nội).

Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi chứa đựng nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáo. Ở Bắc bộ, hình ảnh rồng ngự ở ngôi đình làng phổ biến và rất tự nhiên, cởi mở, dung dị và chất phác như những người dân nơi thôn dã. Dù giai cấp thống trị muốn giành rồng như biểu tượng cho riêng mình nhưng ở đình, rồng là của cả làng. Đặc biệt, hình tượng rồng và tiên là một biểu tượng của đoàn kết dân tộc, ước vọng hạnh phúc của người Việt Nam. Hình ảnh tiên cưỡi rồng đặc biệt phong phú, đa dạng và đặc sắc trong mỹ thuật của người Việt, chiếm nhiều nhất trên kiến trúc đình làng.

Trong ngôi đình làng, hình ảnh rồng tiên luôn được chạm khắc trên vị trí thiêng liêng, trang trọng nhất. Nhiều thế kỷ dưới thời phong kiến, người phụ nữ bị yếm thế, không được học hành, không được quyền lựa chọn hôn nhân, không có vị trí xã hội trong cộng đồng… nhưng ở đình làng, tiên mang dáng dấp thôn nữ vắt vẻo trên lưng rồng mãi mãi là một biểu tượng kỳ diệu cho sự sáng tạo xuất phát từ những giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt.

Tài hoa trong kỹ thuật thể hiện, người nghệ sĩ thiết kế, trang trí đình làng đã sáng tạo nên nhiều hình tượng nghệ thuật với rồng, tiên, hoa cỏ, muông thú. Các phù điêu trang trí luôn là điểm nhấn quan trọng trong không gian đình làng, mỗi đường nét là một sự chuyển tải thông điệp của nhân gian với thần linh, với trời đất, là cảm xúc, là ước vọng và cũng là sự thăng hoa của người nghệ sĩ. Một pho tượng không đơn giản chỉ để thờ cúng, một kiến trúc không đơn thuần chỉ là nơi che mưa che nắng… Tất cả đã tạo nên bản sắc riêng biệt của nền văn hóa nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán nhưng lại mang tính cộng đồng rõ nét.

        Trăn trở chuyện bảo tồn

Đến với khán giả và giới mỹ thuật TPHCM, triển lãm “Hình tượng rồng và tiên trên chạm khắc đình làng Bắc bộ Việt Nam” là một phần của dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, Việt Nam” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện trong hai năm 2012 - 2013. Để có được nguồn tư liệu sinh động phục vụ nghiên cứu giảng dạy cũng như trên 100 hình ảnh kiến trúc chạm khắc rồng và tiên của 38 đình làng ở Bắc bộ, nhóm thực hiện đã phải lao động cật lực.

Họa sĩ lão thành Huỳnh Phương Đông chia sẻ: “Hơn nửa thế kỷ trước, tôi từng có nhiều năm sống ở đình, chùa. Thật đáng khâm phục khi những kiến trúc chạm khắc độc đáo này đều do người dân lao động chế tác. Xem lại những tác phẩm kiến trúc độc đáo này để biết cha ông ta ngày trước đã làm được những điều kỳ diệu. Những tác phẩm mang đến cho chúng ta cảm giác sống lại hồn dân tộc Việt Nam, rất đỗi tự hào”.

NGƯT-TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Vào tháng 9-2012, chuyên đề này đã được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt, được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người Việt, giới nghiên cứu và nghệ sĩ Pháp”.

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đã tác động không ít đến đời sống làng quê Việt Nam, xu thế đô thị hóa ở nông thôn đang khiến đình làng dần bị đẩy xa, ngôi nhà chung của cộng đồng bị đóng kín, sinh hoạt cộng đồng nay chuyển về nhà văn hóa thôn, xóm.

Đứng trước thực tế đó, dự án được triển khai với mong muốn đánh giá tổng thể về kiến trúc đình làng và không gian văn hóa đình làng. Từ đó đánh thức trách nhiệm của mỗi người trước giá trị di sản văn hóa của dân tộc cũng như tìm hướng bảo tồn phù hợp cho không gian văn hóa đình làng Việt Nam.

TS Lê Văn Sửu cho biết thêm một thông tin thú vị, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu phát hiện hàng ngàn người Việt Nam (dân tộc Kinh) đã đến định cư tại thôn Vạn Vĩ, huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ thế kỷ XVI vẫn lưu giữ bản sắc độc đáo của dân tộc, họ xây dựng đúng gốc một ngôi đình làng ở Bắc bộ xưa tại thôn này. Phần đông họ là người gốc Hải Phòng và một số địa phương ven biển của Việt Nam.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục