Hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiabank và SCB - Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Trần Minh Tuấn đã nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo công bố chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng: Thương mại cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiabank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tổ chức tại TPHCM chiều 6-12. Tại đây, 3 ngân hàng trên cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiabank và SCB - Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Trần Minh Tuấn đã nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo công bố chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng: Thương mại cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiabank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tổ chức tại TPHCM chiều 6-12. Tại đây, 3 ngân hàng trên cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

  • Tự nguyện

Phó Thống đốc thường trực NHNN Trần Minh Tuấn cho biết, theo đề nghị của 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiabank và SCB, NHNN đã chấp thuận chủ trương cho 3 ngân hàng này được tiến hành hợp nhất trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Theo Phó Thống đốc, thời gian qua, 3 ngân hàng này đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Các dự án đầu tư của 3 ngân hàng nhìn chung có hiệu quả nhưng nguồn vốn cho vay chủ yếu là trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động lại ngắn hạn. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng trên có những lúc mất thanh khoản tạm thời. Vì vậy, để khắc phục tình trạng khó khăn về thanh khoản hiện nay, xây dựng chiến lược phát triển mới, 3 ngân hàng đã tự nguyện hợp nhất với nhau để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh trong một ngân hàng hợp nhất. 

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa ngân hàng BIDV, Ficombank, TinNghiabank và SCB. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa ngân hàng BIDV, Ficombank, TinNghiabank và SCB. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhằm hỗ trợ toàn diện các vấn đề của 3 ngân hàng này trong quá trình hợp nhất và góp phần nâng cao khả năng tài chính, quản trị kinh doanh sau hợp nhất, BIDV đã được NHNN giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia hỗ trợ cả về nguồn vốn, lực lượng cán bộ và tham gia vào hoạt động quản trị, kinh doanh của ngân hàng được thành lập sau hợp nhất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của NHNN và trên cơ sở hành lang pháp lý đối với hoạt động hợp nhất đã khá hoàn chỉnh, việc hợp nhất 3 ngân hàng này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

“Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại 3 ngân hàng này luôn được bảo đảm. Quyền lợi chính đáng của các NHTM khác trong quan hệ vay vốn cũng được giải quyết hợp lý” - ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh. Theo ông Tuấn, trong bối cảnh thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại của Đảng, Chính phủ và NHNN thì việc hợp nhất 3 ngân hàng trên phù hợp về chủ trương, định hướng và được xem là những ngân hàng tiên phong trong tiến trình tái cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

  • Không phải sáp nhập

Liên quan đến việc một số phương tiện truyền thông thông tin về việc BIDV “thâu tóm” 3 ngân hàng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định rằng BIDV chỉ là ngân hàng được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ chứ không phải thâu tóm. Hơn nữa, BIDV cũng chưa đặt vấn đề có tham gia cổ phần vào 3 ngân hàng này hay không.

Theo ông Hà, đến nay, BIDV đã hỗ trợ thanh khoản cho 3 ngân hàng này 2.400 tỷ đồng trên tổng số tài sản đảm bảo nợ của 3 ngân hàng là 30.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ thanh khoản không ảnh hưởng đến bản cân đối kế toán của BIDV. Ông Hà cũng cho biết, sau khi hợp nhất, BIDV sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân hàng hợp nhất và đảm bảo cung cấp đủ tiền mặt cho hoạt động thanh khoản của ngân hàng này.

Ngoài ra, ông Hà cũng giải thích thêm, đây là sự hợp nhất của 3 ngân hàng chứ không phải sáp nhập. “Sáp nhập là NHNN chỉ định các ngân hàng phải sáp nhập lại với nhau, còn ở đây, 3 ngân hàng này tự nguyện hợp nhất lại với nhau” - ông Hà giải thích. Ngân hàng hợp nhất sẽ có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 150.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, bước đầu các ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ, giảm tài sản có theo hệ số an toàn quy định của NHNN. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ trực tiếp về vốn của BIDV tính thanh khoản của các ngân hàng sẽ tốt hơn.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ban trù bị ngân hàng hợp nhất chọn tên mới, đồng thời xây dựng điều lệ hợp nhất trước ngày 25-12 để trình NHNN chuẩn y, công nhận và công bố tên ngân hàng hợp nhất. Dự kiến, ngân hàng hợp nhất này sẽ khai trương vào ngày 1-1-2012. Sau khi hợp nhất, các văn tự, khế ước sẽ chuyển về ngân hàng hợp nhất.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục