Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang có chuyến thăm Trung Quốc với mục đích “gia cố” sự bền vững và niềm tin trong quan hệ hợp tác song phương. Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được ấn định từ tháng 1 năm nay, nhân chuyến thăm Washington của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Điểm chung của những lần gặp gỡ là trước báo chí thế giới, lãnh đạo hai nước đều tỏ vẻ cởi mở, bắt tay hứa hẹn nỗ lực hợp tác và ủng hộ nhau. Nhưng trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt, liên tục có những phát biểu và thái độ ngược hẳn với những tuyên bố trước công luận.
Xét trên phương diện kinh tế, khủng hoảng nợ của Mỹ đóng vai trò chủ đạo gây chao đảo nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc lại là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, chiếm tới 21,6% trong tổng số 4.440 tỷ USD trái phiếu do nước ngoài nắm giữ. Mặt khác, 2/3 nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 3.200 tỷ USD Bắc Kinh đang nắm giữ là bằng USD. Âu cũng là điều dễ hiểu được vì sao ngay sau khi hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor lần đầu tiên đánh tụt mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, báo chí Trung Quốc như được dịp kịch liệt lên tiếng chỉ trích Mỹ đã vay nợ quá nhiều để chi bộn tiền cho các chiến dịch quân sự và phúc lợi xã hội dẫn đến hậu quả trên.
Về những bất đồng liên quan đến biển đảo, dù luôn tuyên bố sẽ khách quan trong tất cả tranh chấp ở vùng biển Đông nhưng Mỹ vẫn ra mặt ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc trong tranh chấp của các quốc gia này với Trung Quốc. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đó là tranh chấp hòn đảo Điếu Ngư (tên Trung Quốc gọi) và Senkaku (tên Nhật Bản gọi). Mỹ còn khiến Trung Quốc “tức giận” khi tiến hành cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ngay tại vùng biển Hoàng Hải (nơi tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên).
Để bảo vệ vị thế của mình, Mỹ và Trung Quốc không ngừng nâng cấp sức mạnh quân sự. Theo báo chí quốc phòng, quan chức Lầu Năm góc đang làm quen khái niệm mang tên Chiến trận Hải - Không để đối phó với Trung Quốc. Nhà báo tự do Stephen Glain, người có kinh nghiệm đối với các vấn đề châu Á, Trung Đông vừa có bài viết nói bản tin nội bộ của Lầu Năm góc gần đây tiết lộ, một nhóm nhỏ các sĩ quan hải quân Mỹ đang nỗ lực tập luyện theo chương trình Chiến trận Hải - Không cho khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Một trong những vấn đề gai góc mà Phó Tổng thống Biden sẽ đề cập với người đồng cấp Tập Cận Bình là quyết định bán máy bay phản lực tân tiến và cung cấp các gói nâng cấp vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, để trừng phạt quyết định trên của Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ ngừng hoặc giảm mua các khoản nợ của Mỹ trên quy mô lớn.
Biden là nhà ngoại giao từng có 2 chuyến công du đến Trung Quốc, vào năm 1979 và 2001. Quan điểm của ông là không nên đặt Trung Quốc ở vị trí đối đầu với Mỹ mà nhấn mạnh vì hiện nay, hai nước đang tìm kiếm những quyền lợi chung nên chỉ chia sẻ, không nên đối đầu gay gắt. Ngược lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đưa ra nhận định, Mỹ đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc và có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua giành sự ảnh hưởng toàn cầu.
Nói tóm lại, mong muốn thông cảm hay nhượng bộ là điều khó xuất hiện trong mối quan hệ đầy toan tính này, nhất là khi cả hai luôn ở thế đối trọng và kiềm chế.
NHƯ QUỲNH