Huawei bắt đầu phản công

Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc ngày 7-3 đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên Tòa án Liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan một đạo luật trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này.
Buổi họp báo Huawei công bố việc khởi kiện Chính phủ Mỹ
Buổi họp báo Huawei công bố việc khởi kiện Chính phủ Mỹ

Giải pháp cuối cùng?

Trong tuyên bố ngày 7-3, Chủ tịch Huawei Quách Bình nhấn mạnh: Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei, buộc hãng sử dụng hành động pháp lý trên như một “giải pháp thích hợp cuối cùng”. Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc Chính phủ Mỹ xâm nhập các máy chủ, đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn của tập đoàn này.

Cụ thể, trong nội dung đơn kiện, Huawei tập trung vào điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành năm ngoái, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE - một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc, sản xuất. Huawei cho rằng lệnh cấm trên không chỉ trái pháp luật mà còn cản trở tập đoàn này tham gia cạnh tranh công bằng, dẫn tới gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ. 

Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã ký phê duyệt NDAA tài khóa 2019, trong đó có điều khoản quy định sự kiểm soát của quốc hội nước này đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với Huawei và ZTE. Điều khoản này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về việc 2 tập đoàn trên có mối liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất bình trước động thái này của Washington, trong khi Huawei liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng tập đoàn này là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Theo CNN, Tòa án Liên bang tại Plano, bang Texas, sẽ đưa ra quyết định liệu có thụ lý vụ kiện này hay không. Theo quy định, một tòa án có quyền vô hiệu hóa một phần nội dung điều khoản mà không gây ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, Huawei có thể kỳ vọng tòa án trên sẽ bãi bỏ điều khoản 889 trong NDAA, từ đó mở đường để công ty này tiến hành các cuộc thương thảo với Chính phủ Mỹ. 
 
Chưa hết rắc rối

Trước đó, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada đã thông báo thời điểm tiếp theo của tiến trình tư pháp liên quan tới việc dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu sang Mỹ. Thẩm phán cho biết ngày 8-5 tới, tòa sẽ ấn định thời gian cụ thể mở phiên tranh tụng. 

Phát biểu trước tòa, luật sư Richard Peck bảo vệ quyền lợi cho bà Mạnh Vãn Chu nhận định việc dẫn độ nữ doanh nhân này làm dấy lên mối lo ngại lớn về động cơ chính trị. Theo ông Peck, những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington có thể sẽ can thiệp vào vụ việc này nếu điều đó giúp đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh đang gây nhiều quan ngại.

CFO Mạnh Vãn Chu (47 tuổi) bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ tại sân bay quốc tế ở Vancouver ngày 1-12 năm ngoái, với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Washington đối với Iran. Bà Mạnh Vãn Chu đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia kiện Chính phủ Canada, Cơ quan Dịch vụ biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada, cáo buộc các cơ quan này đã vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp của bà khi bắt giữ bà.

Các chuyên gia pháp lý dự đoán rằng chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ thực hiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ, tuy nhiên tiến trình dẫn độ có thể phải kéo dài nhiều năm vì hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định.

Tin cùng chuyên mục