Ngày 28-9, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải tự in hóa đơn kể từ 1-1-2011. Thông tư này đã tháo bỏ áp lực đối với các doanh nghiệp nhỏ khi mỗi năm chỉ sử dụng vài cuốn hóa đơn mà phải tốn chi phí lớn cho việc đặt in hóa đơn. PV Báo SGGP phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM xung quanh những quy định mới này.
Hóa đơn cũ được sử dụng thêm 3 tháng
- PV: Kể từ 1-1-2011 doanh nghiệp phải tự in hóa đơn, vậy nếu đến thời điểm đó, số hóa đơn tài chính doanh nghiệp đã mua nhưng chưa sử dụng hết phải xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Tổ chức, hộ, cá nhân có quyền thực hiện tạo hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và thông báo phát hành hóa đơn trong năm 2010 để thực hiện ngay từ đầu năm 2011. Kèm theo đó, doanh nghiệp phải kiểm kê số lượng hóa đơn đã mua (hoặc hóa đơn do doanh nghiệp tự in theo quy định tại Thông tư số 120/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 89/2002/NĐ-CP) chưa sử dụng.
Trường hợp không tiếp tục sử dụng thì phải hủy số hóa đơn cũ này. Nếu có nhu cầu sử dụng hóa đơn chưa sử dụng hết thì đăng ký hóa đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 153) để được tiếp tục sử dụng đến hết quý 1-2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất ngày 20-1-2011. Nếu đến hết quý 1-2011, tổ chức, hộ, cá nhân chưa sử dụng hết hóa đơn thì phải hủy số hóa đơn còn lại.
- Trong hóa đơn tự in, doanh nghiệp buộc phải có những nội dung bắt buộc nào?
Thông tư 153 quy định rõ một số nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn và quy định rõ một số trường hợp không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc. Đối với một hóa đơn thông thường buộc phải có một số tiêu thức cụ thể như: “Ngày tháng năm” lập hóa đơn; “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”; “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)”, đồng tiền ghi trên hóa đơn…
Tuy nhiên, một số tổ chức tự in hóa đơn không nhất thiết phải có mục chữ ký người mua, dấu của người bán như hóa đơn điện, nước, dịch vụ viễn thông, hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in. Các trường hợp không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc (trừ trường hợp người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 153/2010) là những hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.
Riêng đối với tem, vé thì trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán hoặc tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được mua hóa đơn
- Hiện nay có một số doanh nghiệp nhỏ mỗi năm chỉ sử dụng vài cuốn hóa đơn mà phải đặt in, rất tốn thời gian, chi phí… Thông tư có hướng dẫn gì mới “cứu” các đơn vị này không, thưa ông?
Thông tư 153 có quy định thêm đối tượng được mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế. Theo đó, những doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng đủ điều kiện tự in hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 nhưng không tự in hóa đơn thì được tạo hóa đơn đặt in hoặc mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế.
- Tức là cơ quan thuế sẽ bán hóa đơn tài chính cho những đối tượng này như trước đây?
Đúng vậy.
- Những đối tượng được mua hóa đơn nói trên được quyền mua đến khi nào, thưa ông?
Thông tư 153 chỉ cho phép cơ quan thuế bán hóa đơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nói trên trong năm 2011. Từ năm 2012 trở đi, những doanh nghiệp trên cũng phải tự tạo hóa đơn để sử dụng như các doanh nghiệp khác.
- Xin cảm ơn ông!
Hàn Ni