Hướng đến “GDP xanh”

Theo phân tích của một số tổ chức, trong đó có Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation), chỉ số GDP hiện nay không hề phản ánh quá trình giàu lên hay nghèo đi về tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia. Trong khi đó, được công bố cuối năm 2009, Báo cáo kinh tế về các hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) được thực hiện trong một dự án quy mô kéo dài 3 năm, với sự tài trợ của nhiều quốc gia đã lập luận rằng, quá trình suy thoái các hệ sinh thái bắt nguồn từ việc không định giá được “các nguồn vốn tự nhiên” trong chỉ số GDP.

Báo cáo TEEB đã cố gắng chỉ ra giá trị của các dịch vụ sinh thái từ các cánh rừng, sông hồ, đất đai, nguồn nước và thủy sản. Ví dụ khả năng cung cấp dịch vụ sinh thái cho con người từ các rặng san hô có trị giá tới 1,2 triệu USD/ha mỗi năm. Bản báo cáo cũng cung cấp cách biểu diễn các số liệu trong một bản cân đối ngân sách. Ví dụ việc trồng và bảo vệ gần 12 ngàn ha rừng ngập mặn ở Việt Nam hàng năm chỉ tốn hơn 1 triệu USD, nhưng cần đến trên 7 triệu USD mỗi năm cho công tác bảo vệ đê, trong khi hàng ngàn ha rừng bảo vệ bờ biển tốt hơn các con đê.

Như vậy, chỉ bằng cách quy các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành tiền mặt, các nhà hoạch định chính sách, các chính phủ và các nhà kinh tế học sẽ xác định được giá trị của nó. Sự tăng trưởng kinh tế phải được song hành cùng sự phát triển bền vững. Khi tất cả cùng được đưa ra để cân đo, “người tiêu dùng” tài nguyên thiên nhiên mới biết xót cho cách mà họ đang vung tay tiêu xài hoang phí của cải quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng.

H.Nhi

Tin cùng chuyên mục