Hướng đến nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến, những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh. Qua số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt mức 25,5 tỷ USD, tăng trưởng 86,3%; xuất khẩu sản phẩm CNTT đạt 20 tỷ USD, tăng 82% so với năm 2011 và chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Song, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNTT thời gian qua cũng đang là thách thức không nhỏ.

Ngày 9-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013 quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý; đồng thời phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên - Môi trường về các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và công khai thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và của Bộ Tài nguyên - Môi trường; hàng năm, báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam; kết quả thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Từ đầu năm 2015, các sản phẩm thải bỏ như ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn… sẽ bị thu hồi và xử lý. Sang đầu năm 2016, những loại như máy photocopy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, săm lốp các loại thải bỏ phải bị thu hồi. Đến đầu năm 2018, các loại phương tiện giao thông như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô loại thải sẽ bị thu hồi và xử lý bởi cơ quan chức năng.

NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục