Hướng đến vaccine ngừa Covid-19 thế hệ thứ 2

Số ca mắc và nhập viện do dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm ở nhiều nơi nhưng các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 nếu như nước này không ngăn chặn được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế Nhật Bản tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty Images
Nhân viên y tế Nhật Bản tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty Images

Nhiều biến số bất ngờ

Hãng CNN cho biết, 3 bang Montana, Iowa và North Dakota đã dỡ bỏ các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang theo quy định, trong khi 2 bang New York và Massachusetts cũng nới lỏng hạn chế phục vụ tại nhà hàng trong thời gian diễn ra ngày lễ Tình nhân 14-2. Ngày 17-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết thúc đẩy đưa gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đến người dân. Ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, qua đó sẽ ngăn chặn sự chững lại của đà hồi phục kinh tế. Ông J.Biden còn cam kết rằng đến cuối tháng 7 tới, Mỹ sẽ có 600 triệu liều vaccine, đủ tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ.

Trong khi đó, hiện các biến thể dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã lan rộng khắp châu Âu, Nam Phi và Mỹ Latinh. Những biến thể mới, việc nới lỏng một số biện pháp y tế, thiếu thông tin nhân khẩu học về những người được tiêm chủng và giám sát di truyền hạn chế sẽ gây khó khăn cho việc dự đoán chính xác những gì các biến thể có thể gây ra. Theo TS Peter Hotez từ Đại học Y Baylor ở Houston, nếu tỷ lệ lây nhiễm và tử vong đối với biến thể được gọi là B.1.1.7 như với chủng virus hiện tại ở Mỹ, nước này có thể ghi nhận con số tử vong đáng kinh ngạc vào mùa hè và mùa thu sắp tới. 

Chống lại các biến thể mới

Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động chương trình nghiên cứu những biến thể của virus SARS-CoV-2 và sản xuất những vaccine thế hệ thứ 2 chống lại những biến thể mới trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay, chương trình với tên gọi Vườn ươm HERA sẽ quy tụ các cơ quan y tế và phòng thí nghiệm, cùng giới chức y tế và các nhà nghiên cứu. Các nước thành viên cũng sẽ được yêu cầu đóng góp thêm tài chính để EU có thể điều chỉnh những hợp đồng vốn đã được ký kết với các nhà cung cấp vaccine cũng như đảm bảo có được các liều vaccine chống lại các biến thể mới trong tương lai.

Nhật Bản ngày 17-2 triển khai chương trình tiêm chủng vaccine của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức), bắt đầu với các nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở thủ đô trước khi mở rộng chủng ngừa cho người cao tuổi và những đối tượng có bệnh lý nền. Chương trình tiêm chủng giai đoạn đầu sẽ được tiến hành đối với 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên toàn Nhật Bản. Mục đích là ưu tiên đảm bảo an toàn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đánh giá mức độ an toàn của vaccine trước khi phổ cập tiêm chủng toàn dân. Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết sẽ định kỳ công bố báo cáo đánh giá phản ứng phụ đối với 20.000 trường hợp trong 4 tuần sau khi chủng ngừa mũi thứ 2. Sau khi kết thúc tiêm chủng giai đoạn đầu, từ giữa tháng 3 sẽ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đối với khoảng 3,7 triệu nhân viên y tế còn lại trên toàn quốc và từ đầu tháng 4 bắt đầu tiêm chủng cho 36 triệu trường hợp là người trên 65 tuổi.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc cho biết sẽ trực tiếp mua thuốc điều trị Regkirona, của công ty dược phẩm sinh học trong nước Celltrion, để cung cấp cho các cơ sở y tế. Thuốc này được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục