Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) như giãn, giảm thuế, hỗ trợ cho vay vốn, giảm tiền thuê đất... giúp DN vượt qua khó khăn, nhưng theo các chuyên gia, điều cốt lõi để vượt qua khó khăn không ai khác chính là DN phải tự cứu mình. Tìm hướng đi giúp DN vượt qua khủng hoảng là vấn đề nóng được quan tâm nhiều hiện nay.
Đẩy mạnh nội lực...
“Nguy cơ thua lỗ, nợ nần và phá sản có thể xảy ra với bất cứ DN nào nếu vấn đề quản trị không được thực hiện nghiêm túc. Giải pháp tổng quát cho các DN là cần gia tăng thực chất về năng lực quản trị, không ngừng hoàn thiện tổ chức và hệ thống thông qua tái cấu trúc triệt để, cắt đi những phần không hiệu quả”. Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tại hội thảo “Tìm hướng đi cho doanh nghiệp” vừa được tổ chức mới đây. Trước hết, DN cần xác định đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu của mình, qua đó điều chỉnh và tiếp tục phát triển. Nhiều DN vì quản trị không tốt dẫn đến chi phí quá lớn, lợi nhuận không bù đắp được chi phí. Do đó, DN cần kiểm soát chặt chẽ thu chi.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, thời điểm khó khăn cũng là cơ hội tốt các DN nắm thời cơ, thực hiện tái cơ cấu. Chẳng hạn, thời điểm này DN có thể mua vào các cơ sở hạ tầng và hệ thống khách hàng của các DN khác đang khó khăn. Còn ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì cho rằng, việc tái cơ cấu DN theo nội dung xác định chiến lược sản phẩm gắn với việc lựa chọn thị trường mục tiêu là quan trọng, đồng thời DN cũng cần áp dụng các thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lấy khó khăn để khẳng định niềm tin, thế mạnh...
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm là chính trong khó khăn là điều kiện để DN thể hiện sức mạnh của mình. Đã đến lúc DN tái cơ cấu lại nguồn vốn, các khoản đầu tư chắc chắn hơn, ưu tiên hơn vào thị trường địa phương và thị trường tại chỗ; đồng thời cần phải minh bạch hóa các báo cáo tài chính, các dự án, đảm bảo tốt về thị trường đầu ra, tạo dựng lòng tin cho các đối tác.
Chính khó khăn sẽ làm cho các DN quản trị không tốt bộc lộ hết những điểm yếu của mình, thậm chí dễ đẫn đến phá sản. Các DN nhà nước vốn quản trị không tốt, giờ rơi vào điều kiện bị cắt giảm đầu tư công sẽ là dịp để nhà nước tinh lọc thị trường. Những DN yếu buộc phải sáp nhập để cơ cấu, tổ chức lại cho hiệu quả hơn. Đây là thời điểm tốt thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước bằng cách mua bán, sáp nhập DN để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động để tạo thêm nhiều sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh nội địa và quốc tế; triệt để tận dụng mọi cơ hội thị trường trong và ngoài nước. Qua đó các DN có cơ hội hội nhập, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới quản lý, mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu có tính cạnh tranh cao.
Chế Hân