
- Hỏi: Hướng nghiệp 1 là bộ phim hay và hấp dẫn, tuy kết thúc mở, nhưng có vẻ những điều các tác giả muốn nói đã đủ rồi. Liệu Hướng nghiệp 2 có bị lặp lại và đuối dần khi bị kéo dài?
- Nhà văn NGUYỄN MẠNH TUẤN: Viết về tuổi trẻ với những chuyện tình yêu, tình bạn, gia đình, sự nghiệp, lý tưởng, chẳng bao giờ là đủ, nhưng đúng là khi quyết định làm Hướng nghiệp 2, điều chúng tôi sợ nhất, chính là sự lặp lại. Tuy nhiên, chống lại sự trùng lặp cũng là cảm hứng và thử thách với người làm phim.
- Nhưng sức người có hạn?

- Hướng nghiệp 1 gồm 30 tập (mỗi tập 60 phút), được viết liền một mạch khoảng 9 tháng, khi xong trang cuối cùng thì sức người vô hạn cũng như bị hút hết tinh tủy, nhưng phim chiếu ra, được người xem hưởng ứng, yêu cầu viết tiếp, lại… cao hứng. Chúng tôi không cố làm cái gì ngoài sức của mình. Thực ra, phần hai cũng có những thuận lợi khác, do tôi và đạo diễn Châu Huế đã quá hiểu nhau nên việc hợp tác tốt hơn; mặt khác, các diễn viên chính đã diễn rất tốt ở phần một, nên sang phần hai, tôi chỉ việc “đo ni, đóng giày”, phát huy tối đa ưu thế của mỗi người, vì thế họ đều có đất để diễn hết mình.
- Ông tin chắc phần hai hay hơn?
- Ở loại phim truyền hình nhiều tập, về nguyên tắc sáng tác, càng kéo dài thì càng về sau bắt buộc phải có kịch tính cao hơn, hấp dẫn hơn phần trước. Tôi đã cố gắng làm được điều này ở kịch bản, nhưng giá trị một bộ phim còn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của đạo diễn và diễn viên... Sau khi phim hoàn thành, Hội đồng nghệ thuật của HTV đều nhất trí đánh giá cao sự hấp dẫn của phần hai. Tôi tin khán giả cũng sẽ hài lòng với Hướng nghiệp 2.
- Nhưng vẫn sẽ có những khán giả cho rằng phim của ông thường căng thẳng, ít tính giải trí...
- Tôi không tranh luận về vấn đề này. Hầu hết phim của tôi đều cố ý khô khan từ cái tên: Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Tội phạm, Đạo gốc, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Nghề báo, v.v…, vậy mà vẫn thu hút người xem? Đành phải nói rằng, nếu có hàng triệu người thích xem phim giải trí theo kiểu của họ thì cũng có hàng triệu người thích những dòng phim khác. Tôi phục vụ cho những người hợp với loại phim của mình, hay nói cách khác, giải trí không phải chỉ có mỗi một kiểu.
- Ông có định viết tiếp Hướng nghiệp 3?
- Nếu khán giả vẫn yêu cầu, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ. Điều hết sức thú vị là ở Hướng nghiệp 2, tôi cho Thái (Kim Tử Long) và Tú (Minh Thư), Thịnh Bò (Vũ Huân) và Tuệ (Nguyệt Nhi) yêu nhau là theo thư yêu cầu của khán giả, vậy mà, họ cũng yêu ra yêu. Nếu làm Hướng nghiệp 3, tức ba năm nữa mới có phim, chưa biết phải viết gì, vì các diễn viên và nhân vật lúc đó, đều qua tuổi “hướng nghiệp”.
- Bí quyết nào khiến ông, một nhà văn qua thời tuổi trẻ đã lâu nhưng viết về các nhân vật tuổi trẻ vẫn có sức thuyết phục?
- Đây không phải bí quyết mà là quan điểm tư duy. Cần phải biết rõ vấn đề của tuổi trẻ ngày nay là vấn đề gì, họ đang thực sự cần gì, mình mang đến cho họ cái đó với tấm lòng của người đã trải qua thời tuổi trẻ. Đừng bao giờ cố làm như mình cũng đang trẻ như họ, họ nhận ra ngay.
- Cảm ơn nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.
MINH THUẬN