Hướng tới World Cup 2014 - Đội tuyển Đức: Mục tiêu là vô địch

Sau nhiều năm liên tiếp tiến sát đến vinh quang nhưng đều “chết trên ngưỡng cửa thiên đường”, đội tuyển Đức đứng trước áp lực phải vô địch giải đấu năm nay, phải đặt dấu chấm hết cho 16 năm khát danh hiệu.

Sau nhiều năm liên tiếp tiến sát đến vinh quang nhưng đều “chết trên ngưỡng cửa thiên đường”, đội tuyển Đức đứng trước áp lực phải vô địch giải đấu năm nay, phải đặt dấu chấm hết cho 16 năm khát danh hiệu.

Chủ nhà Brazil và ĐKVĐ Tây Ban Nha hiển nhiên là 2 lựa chọn hàng đầu cho chức vô địch, nhưng ngay sau họ, thậm chí ngang ngửa với họ là đội tuyển Đức, vốn luôn là đối thủ được kính nể ở những giải đấu lớn.

 

Hướng đến World Cup 2014

 
 

>> Chủ nhà Brazil: Đôi chân và khối óc

>> Đương kim vô địch Tây Ban Nha: Khiêm tốn là chìa khóa

>> Đội tuyển Đức - Mục tiêu là vô địch

 

Sau khi Michael Ballack giã từ đội tuyển, Đức đã giới thiệu được một thế hệ cầu thủ trẻ trung nhưng đầy tài năng. Mesut Ozil, Marco Reus, Mats Hummels hay Mario Goetze đều còn rất trẻ, nhưng họ không hề thiếu kinh nghiệm ở những giải đấu lớn. Nếu Đức không thể chạm tay vào vinh quang lần này, đấy là một thất bại hoàn toàn chứ HLV Joachim Loew không thể đổ lỗi cho sự non kém kinh nghiệm nữa.

Cũng từ cuộc chia tay của Ballack, được xem là do tranh chấp chiếc băng thủ quân với Philipp Lahm, Đức cũng vắng bóng một thủ lĩnh đích thực trên sân cỏ. Lahm rất tài năng, nhưng anh không có cái uy dũng của một “đại ca” như những thủ quân lừng danh của Đức ngày trước như Michael Ballack, Oliver Kahn, Juergen Klinsmann, Lothar Matthaues...

Cũng chính vì không có một thủ lĩnh đích thực, Đức có thể chơi rất hay và mãn nhãn khi đạt phong độ cao, nhưng sẽ không có đủ sự lì lợm để vượt qua những thời khắc khó khăn. World Cup 2006, Đức được xem là biểu tượng cho sự hòa hợp khi gọi vào đội tuyển nhiều cầu thủ nhập cư: những Ozil, Guendogan (gốc Thổ Nhĩ Kỳ), Khedira (gốc Tunisia), Podolski (Ba Lan) đã mang đến cho tuyển Đức một diện mạo mới, nhưng cũng góp phần triệt tiêu “chất Đức” của Mannschaft, thứ bản lĩnh khiến các đối thủ khiếp sợ và phải gọi là “cỗ xe tăng”.

Đức đến với World Cup lần này cùng với một nỗi lo khác: tiền đạo. HLV Joachim Loew không gọi Mario Gomez, một động thái cho thấy ông sẽ hoàn toàn đặt niềm tin vào lão tướng Miroslav Klose, người đang chia sẻ kỷ lục ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử Mannschaft với Gerd Mueller (68 bàn) và đặt mục tiêu trở thành chân sút số 1 tại World Cup qua mọi thời đại (đang có 14 bàn, kém 1 bàn so với kỷ lục của “người ngoài hành tinh” Ronaldo). Tuy nhiên Klose đã 35 tuổi và không ai biết được anh sẽ chơi với phong độ thế nào trên đất Brazil.

Ngoài Klose, HLV Joachim Loew chỉ gọi thêm một tiền đạo khác là Kevin Volland, 21 tuổi, đang chơi cho Hoffenheim - một canh bạc thật sự. Có người dự báo Loew sẽ tập cho Đức chơi với đội hình không có tiền đạo thực thụ, giống như cách mà Tây Ban Nha đã sử dụng để đăng quang tại Euro 2012. Muốn vậy, Đức phải có một “số 9” ảo tài năng như Lionel Messi hay Cesc Fabregas. Và nhiệm vụ ấy sẽ được trao cho “thần đồng” Mario Goetze, người đã trưởng thành hơn sau 1 năm thi đấu dưới trướng của HLV Pep Guardiola.

Mario Goetze (phải) sẽ dẫn đường đưa Đức tới vinh quang?

Mario Goetze (phải) sẽ dẫn đường đưa Đức tới vinh quang?

Một câu hỏi khác: Lahm sẽ đá hậu vệ phải hay tiền vệ trung tâm? Nếu Lahm đá tiền vệ trung tâm, một ngôi sao ở tuyến giữa sẽ mất chỗ, đồng thời người hậu vệ phải (Benedikt Hoewedes hoặc Lars Bender) buộc phải quán xuyến cánh phải mà Lahm để lại. Sao cũng được, miễn Đức phải vô địch năm nay.

Trong lịch sử các đời HLV của tuyển Đức, không ai có tỷ lệ thắng nhiều như Loew (70 trận thắng, 15 trận hòa sau 102 trận), nhưng dù thắng ít hơn Loew, Franz Beckenbauer đã mang Đức đến chức vô địch World Cup 1990, trong khi Berti Vogts giúp Đức giành vinh quang ở Euro 1996.

Á quân Euro 2008, hạng 3 World Cup 2010, bán kết Euro 2012. Quá đủ rồi! Người Đức cũng thích xem bóng đá tấn công, nhưng vô địch thì tất nhiên là... tốt hơn.

YÊN THANH

Tin cùng chuyên mục