Mấy ngày qua, câu chuyện biển đảo luôn là đề tài nóng được mọi người dân cả nước nhắc đến. Cô Lê Hạ nhà ở quận 10, TPHCM vừa đến tòa soạn Báo SGGP đã sôi nổi: “Mấy hôm nay đọc Báo SGGP thấy thông tin kêu gọi chung tay giúp cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang làm nhiệm vụ ở biển Đông, tôi muốn được đóng góp ngay 2 triệu đồng, nhờ báo chuyển giúp đến cảnh sát biển và kiểm ngư”. Cô Lê Hạ còn cẩn thận nhắc chúng tôi nhớ chuyển sớm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục vận động nhiều người ủng hộ.
Vừa ghi xong biên nhận thu tiền cho cô Lê Hạ, chúng tôi liền tiếp chị Minh Nguyệt, đại diện Trường Mầm non Sơn Ca (phường 11, quận Phú Nhuận) đến trao 2 triệu đồng giúp cảnh sát biển và kiểm ngư. Những ngày tiếp bạn đọc đến góp tiền giúp chương trình “Chung lo hậu phương vững lòng biển đảo, hướng đến các cán bộ chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện cảm động. Trong đó có trường hợp bà Phạm Thị Diệu (ở 414A Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3) đại diện gia đình đến Báo SGGP góp 50 triệu đồng. Đây là tiền giúp công tác xã hội cộng đồng của gia đình, theo di nguyện trước khi mất của cụ bà Phạm Ánh Tuyết (Đoàn Thị Vinh), để nhờ Báo SGGP chuyển đến lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc.
Với những người làm báo chúng tôi, cảm xúc hạnh phúc trào dâng khi nhắc đến tình quân dân một lòng, dẫu biển đảo xa xôi vẫn ấm nồng tình nghĩa hậu phương. Ý nghĩa biết bao những tấm lòng của những con người từ đất Mẹ dõi mắt hướng biển Đông đang cuộn cơn sóng dữ.
Hòa cũng dòng người hối hả giữa trưa tháng 5 nắng nóng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trong hẻm số 357A/24A Nguyễn Trọng Tuyển (phường 1, quận Tân Bình, TPHCM). Chưa kịp tắt máy xe, bác chủ nhà như chờ sẵn vội mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Một hình ảnh bất ngờ khiến chúng tôi ngỡ ngàng, người giúp 20 triệu đồng để ủng hộ chương trình do Báo SGGP phát động giúp bộ đội biển đảo, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, là một thanh niên bị nhiễm chất độc da cam, anh Nguyễn Sơn Thủy (39 tuổi). Di chứng chất độc da cam đã khiến anh không nói được, người nhà đọc báo giải thích cho anh nghe tin thời sự mấy ngày qua vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu vào vùng biển nước ta và hạ đặt giàn khoan dầu khí trái phép. Anh Sơn Thủy chăm chú nghe và nhìn hình ảnh những chiếc tàu hung hãn của Trung Quốc trên báo chí, với ánh mắt dâng trào bức xúc. Chúng tôi cũng nghẹn ngào cầm những tờ bạc còn mới tinh từ tay anh Sơn Thủy trao, mà nhớ mãi hình ảnh một con người với tấm lòng yêu nước đáng khâm phục: Còn sống ngày nào, còn nghĩ đến người khác hơn cả bản thân. Mong các anh bộ đội và đồng bào nơi hải đảo vững tay súng, chắc tay lái, giữ trọn niềm tin vào đất Mẹ, canh giữ biển trời Việt Nam.
LÊ KIM DUNG - ĐẶNG NHUNG