Xác định châu Á đang mang lại “thời cơ vàng” để phát triển, Chính phủ Australia quyết tâm cần mở rộng không những thị trường mà còn đầu óc để đón nhận châu Á.
Với mục tiêu này, Australia vừa công bố đề cương chương trình trị giá 37 triệu USD nhằm khuyến khích sinh viên Australia du học ở châu Á, ngay trong học kỳ 2 năm nay. Chương trình mang tên “Hướng về châu Á” (AsiaBound) đã được đề cập trong Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á” ban hành năm 2012. Theo chương trình, mỗi năm khoảng 3.600 sinh viên Australia sẽ được tham gia trải nghiệm học tập ở các nước châu Á. Để có điều kiện thuận lợi, mỗi sinh viên Australia được cấp 2.000 USD cho chuyến học tập ngắn hạn, 5.000 USD cho cả học kỳ và 1.000USD để chuẩn bị ngôn ngữ trước khi du học.
Sự tăng trưởng ngoạn mục của các nền kinh tế châu Á đã tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lực lượng dân số trẻ muốn tham gia sâu vào khu vực này. Thủ tướng Julia Gillard cho biết chương trình này có quy mô “khổng lồ” so với học bổng Colombo trong những thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, từng cho phép 20.000 sinh viên châu Á đến Australia du học trong 35 năm. Chương trình mới cũng cho phép số lượng sinh viên tương tự đến Australia du học trong 5 năm và 12.000 trong số này sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ giao lưu.
Để khuyến khích sinh viên Australia tìm hiểu châu Á, nâng cao kỹ năng và chuyên môn, chính phủ đẩy mạnh chương trình giảng dạy các ngôn ngữ châu Á và xem đó là một trong “25 mục tiêu quốc gia”. Bắt đầu từ năm học 2014, mọi học sinh Australia sẽ có cơ hội học liên tục một trong bốn ngôn ngữ ưu tiên là tiếng Hoa, tiếng Hindu, tiếng Indonesia và tiếng Nhật. Các trường học Australia đều hợp tác ít nhất với một trường ở châu Á. Theo Thủ tướng Gillard, “Hướng về châu Á” không chỉ là cách để sinh viên có thể có được sự khởi đầu để trải nghiệm cuộc sống ở một quốc gia châu Á mà còn là cách tốt nhất để củng cố quan hệ giữa Australia và các nước châu Á.
Theo Bộ trưởng Ngân sách Australia Wayne Swan, cuối thập kỷ này, châu Á sẽ trở thành khu vực lớn nhất thế giới về sản xuất và tiêu dùng, vượt cả sản lượng kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Dự báo, tài sản cá nhân trung bình ở châu Á tăng gấp đôi vào năm 2025. Lịch sử chưa từng có sự biến đổi kinh tế nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay. Sự trỗi dậy của châu Á đang thật sự thay đổi cả thế giới. Sách trắng Australia năm 2012 nêu rõ: “Châu Á không chỉ là nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất mà còn là nơi tiêu thụ nhiều nhất. Australia cần đón đầu cơ hội nhu cầu hàng hóa tăng do sự tăng trưởng của dân số châu Á cùng với thực tế là người châu Á đang giàu có hơn, tiêu thụ hàng hóa đẳng cấp hơn, đi du lịch nhiều hơn”.
Chính phủ Australia khẳng định tương lai của Australia sẽ được định đoạt bởi những lựa chọn và cách thức nước này hòa nhập với khu vực châu Á và khi châu Á đang ở giai đoạn trở thành nơi tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của thế giới trong 20 năm tới, thì đây là thời điểm lịch sử để nắm lấy cơ hội. Có như vậy, mục tiêu đưa Australia trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực mới có thể trở thành hiện thực.
HẠNH CHI