Huy động nguồn vàng trong dân: Nếu đảm bảo quyền lợi, dân sẽ gửi vàng

Làm sao huy động nguồn lực vàng rất lớn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đồng thời có thể dùng một phần số vàng này vào việc sẵn sàng bình ổn thị trường vàng khi cần thiết là nội dung được các chuyên gia kinh tế, tài chính bàn luận tại Hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân” ngày 4-10. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, không nên huy động vàng trong dân dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM).

Làm sao huy động nguồn lực vàng rất lớn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đồng thời có thể dùng một phần số vàng này vào việc sẵn sàng bình ổn thị trường vàng khi cần thiết là nội dung được các chuyên gia kinh tế, tài chính bàn luận tại Hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân” ngày 4-10. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, không nên huy động vàng trong dân dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM).

Đảm bảo quyền sở hữu vàng của dân

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về việc người dân có thói quen giữ vàng. Con số này ước chừng khoảng 400 - 500 tấn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, con số này chỉ mới tính trên lượng vàng xuất - nhập của mấy năm qua. Nếu tính luôn số vàng người dân đã tích lũy hàng trăm năm qua, lượng vàng trong dân có thể lên đến cả ngàn tấn vàng, tương đương 50 - 60 tỷ USD, tức bằng ½ GDP Việt Nam.

  • Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

"Có thể huy động vàng trong dân bằng nhiều phương án nhưng phải theo nguyên tắc đảm bảo quyền sở hữu người dân đối với vàng và dựa trên quyền lựa chọn của người dân chứ không ép buộc"

TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, chỉ cần huy động được khoảng một nửa số vàng trong dân để đưa vào nền kinh tế sẽ giúp giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đó là chưa kể huy động trên nhằm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, giúp NHNN có nguồn lực để chủ động điều tiết thị trường khi xảy ra cơn sốt giá.

Theo ông Hùng, trong bối cảnh nhiều NHTM bộc lộ những yếu kém, phương thức huy động vàng trong thời điểm hiện tại thông qua việc phát hành chứng chỉ phải do chính NHNN phát hành. Với hình thức này, người gửi vàng không được rút trước hạn như hình thức tiết kiệm trước đây để NHNN sử dụng vốn vàng làm nguồn lực lâu dài để đầu tư phát triển. Từ đó, bằng các nghiệp vụ, NHNN có thể sử dụng số vàng huy động được đổi lấy ngoại tệ mạnh trong thời gian nhất định.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, vàng chỉ là hàng hóa trong danh mục đầu tư vì người dân coi vàng là kênh đầu tư sinh lời. Nhà nước muốn huy động vàng của dân phải có cơ chế chính sách để dân tin tưởng gửi vào và khi cần chi tiêu cũng dễ dàng rút ra. “Nếu gửi và rút vàng một cách thuận lợi, có mức lãi suất đủ để người dân thấy đảm bảo quyền lợi của mình thì người dân sẽ gửi vàng” - ông Tự nói.

Từ tháng 5-2012, “Đề án NHNN về việc phát hành chứng chỉ vàng” nhằm huy động nguồn lực đã được Chính phủ chấp thuận nhưng đang trong thời gian chờ NHNN hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tại đây, một số ý kiến của giới quan sát chính vẫn tỏ ra e ngại về tính khả thi của đề án.

TS Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia kinh tế và đầu tư cao cấp của IMF, cho rằng chưa nên huy động vàng theo đề án của NHNN vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia rất lớn. Theo ông, các tổ chức, định chế tư nhân huy động, vay mượn vàng của người dân trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận của các bên theo cơ chế thị trường là bình thường nhưng không nên can thiệp vào tải sản là vàng của người dân thông qua luật lệ. “NHNN chỉ nên ra quy định hạn chế việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán để chống vàng hóa trên thị trường mà NHNN đã thực hiện trong thời gian qua” - ông Chí nói.

Thị trường thiếu vàng SJC

Liên quan đến thị trường vàng, TS Phạm Đỗ Chí ví von, việc nhảy múa của giá vàng thời gian qua đã tạo nên một “vũ điệu vàng”. Nếu vàng tiếp tục tăng giá sẽ là quả bom tài chính nổ chậm nếu như không có chính sách quản lý đúng. Phân tích nguyên nhân tác động đến giá vàng trong nước, TS Phạm Đỗ Chí cho biết, sau những lình xình trên thị trường tài chính khi các lãnh đạo của Ngân hàng Á Châu (ACB) bị tạm giữ vào cuối tháng 8-2012, giá vàng trong nước đã vọt lên 45 triệu đồng/lượng, mở ra những đợt tăng giá mới trong đầu tháng 9 và tăng liên tục cho đến thời điểm này giá vàng đã qua mốc 48 triệu đồng/lượng. Trong 20 ngày trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới 2 đến 3 triệu đồng/lượng và hiện nay đã là 3,1 triệu đồng/lượng.

Về việc này, ông Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN Việt Nam thừa nhận giá vàng đang “nhảy múa” và vượt tầm kiểm soát của người nắm giữ vàng do thiếu nguồn cung, thực chất là thiếu nguồn cung vàng SJC. Lý giải nguyên nhân cầu tăng bất thường, đẩy giá vàng SJC trong nước lên cao và cách biệt giá vàng thế giới đến 3,1 triệu đồng/lượng, ông Nguyễn Đại Lai cho rằng do nhu cầu vàng đột ngột từ các ngân hàng.

Theo ông Lai, nhiều ngân hàng trước đây đã bán vàng gửi của dân khi giá vàng còn thấp để lấy tiền đồng làm tín dụng với lãi suất cao hơn. Nay thị trường biến động, giá vàng tăng mạnh nên nhiều ngân hàng phải tìm cách mua vàng để cân đối trạng thái hoặc trả vàng đến hạn cho dân, khiến cầu tăng đột biến trong những tháng cuối năm.

“Phải hút vàng về với khối lượng lớn nhưng chỉ dồn vào duy nhất thương hiệu SJC nên đã đẩy giá vàng SJC lên rất cao theo cơ chế độc quyền hơn là luật của giá vàng nói chung” - ông Lai nhận định. Đó cũng là lý do tại sao đáng ra lượng cầu vàng phải giảm vì đã sắp đến thời điểm (ngày 25-11-2012 - PV) mọi tổ chức tín dụng phải chấm dứt tín dụng vàng nhưng hiện tại vàng SJC vẫn cao ngất ngưởng mà các thương hiệu vàng “phi SJC” phải ngước nhìn.

Hạnh Nhung


Giá vàng SJC hơn 48 triệu đồng/lượng

Giá vàng SJC trong ngày 4-10 tiếp tục phá đỉnh trong hơn 1 năm trở lại đây và vượt xa mốc 48 triệu đồng/lượng. Khoảng 16 giờ, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước đã vượt qua mốc 48 triệu đồng/lượng, đạt mức 47,83 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,13 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, chỉ trong một ngày, giá vàng SJC đã tăng gần 300.000 đồng/lượng và so với cuối giờ chiều hôm trước, giá vàng SJC đã tăng thêm hơn 500.000 đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Âu lúc 15 giờ ngày 4-10 (giờ Việt Nam) ở mức 1.788,6 USD/ounce, tăng 8,4 USD/ounce so với đóng cửa đêm hôm trước. Với mức giá này, sau khi quy đổi, giá vàng SJC trong nước vào sáng 4-10 đã hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng và khoảng cách này đã được kéo rộng ra 3,1 triệu đồng/lượng vào cuối ngày.

N.Ng.

Tin cùng chuyên mục