Huy động tất cả nguồn lực để tăng tốc phát triển giáo dục

Với đặc thù dân số cơ học tăng nhanh, kinh tế phát triển làm mọc lên các khu đô thị mới, bình quân mỗi năm học sinh tăng thêm khoảng 50.000 em, TPHCM đang đứng trước nhiều thử thách như sĩ số học sinh/lớp cao so với quy định, diện tích đất/học sinh thấp, chưa đảm bảo mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Bài toán quy hoạch trường lớp cần tiếp tục đầu tư, tháo gỡ. 

Chưa đảm bảo 300 phòng học/10.000 dân

Ngày 25-2, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 02/2003/QĐ-UB (ngày 3-1-2003) của UBND TPHCM về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020, định hướng giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X và XI đã đặt ra mục tiêu xây dựng 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3.

Trường Tiểu học Qui Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM, một trong những trường 
được hoàn thành xây dựng trong giai đoạn 2003-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai ở các quận, huyện, mới có 11/22 địa phương hoàn thành mục tiêu này. Một số nơi như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Gò Vấp mới đạt xấp xỉ 220 phòng học/10.000 dân. Đơn cử, tại huyện Bình Chánh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng được giao làm chủ đầu tư 141 dự án công trình trường học trong giai đoạn 2003-2021, song đến nay mới hoàn thành hoặc đang thi công 107 công trình, còn 34 dự án tiếp tục chờ triển khai. 

Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn quận mới đạt 292 phòng học/10.000 dân. Việc sắp xếp lại quy mô trường lớp gặp khó khăn do địa phương có địa bàn rộng, cơ sở giáo dục có nhiều điểm lẻ được cải tạo từ nhà dân, không đủ phòng ốc đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày của người dân.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến cuối năm 2020, toàn TP tăng thêm 1.047 trường học so với năm 2003, trong đó bậc mầm non dẫn đầu với 823 trường học. Sau khi các địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tổng số phòng học tăng thêm là 24.683 phòng. Đến nay, diện tích đất dành cho giáo dục theo quy hoạch hiện hữu tại các địa phương mới đạt 57,48% so với quy hoạch phê duyệt chung của TP, trong đó chỉ tiêu đất giáo dục hiện hữu tại các quận 2, 6, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ rất thấp so với phê duyệt của UBND TPHCM.

Lý giải thực trạng này, đại diện các quận, huyện đều cho biết, do diện tích đất công theo các đồ án quy hoạch xây dựng công trình trường học chủ yếu quy hoạch trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tăng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch. Bên cạnh đó, nguồn lực từ ngân sách dành cho giáo dục dù đã được ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu, thiếu chính sách hấp dẫn các nguồn lực xã hội hóa gây hạn chế trong việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học.

 Tìm giải pháp đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường lớp

Từ nay đến năm 2030, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng thêm gần 1.000 trường học đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân. Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch đất dành cho giáo dục phù hợp với tình hình thực tế ở các quận, huyện, kết hợp với việc thực hiện các nhóm giải pháp như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây mới hoặc thay thế, nâng cấp, mở rộng phòng học, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng tầng và tận dụng tầng cao của cơ sở giáo dục hiện có làm khu quản lý hành chính cho giáo viên... 

Đại diện nhiều quận, huyện cũng kiến nghị UBND TPHCM có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển mạng lưới trường học theo các phương thức hợp tác công-tư, kích cầu, xã hội hóa.  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương và sở ngành trong việc phát triển hệ thống trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân. Nhằm tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, đồng chí Lê Hòa Bình đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp và hành động cụ thể, tham mưu UBND TPHCM thực hiện các giải pháp đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trong đó, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát các đồ án quy hoạch phân khu song song với việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của TP, huy động tất cả nguồn lực để tăng tốc phát triển giáo dục.

Việc rà soát quy hoạch phải phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển của từng địa phương, không chạy theo con số mà đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp điều kiện thực tế. Riêng đối với các dự án chậm tiến độ, địa phương cần tiếp tục rà soát và có chế tài mạnh hơn nữa đối với các nhà đầu tư đã giao đất nhưng chậm trễ xây dựng công trình trường học, gây ảnh hưởng nhu cầu được đi học của người dân.

Tin cùng chuyên mục