(SGGP).- Tại buổi họp báo chuyên đề ngày 28-2, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo thống kê, lãi suất huy động trái phiếu của KBNN kỳ hạn 5 năm và 7 năm đều dưới 6%, do đó không có sự cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp bởi lãi suất cho vay trung và dài hạn với doanh nghiệp hiện ở mức 6% - 7%. Điều này còn được thể hiện ở việc TPCP chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng mức đầu tư của các ngân hàng.
Trái phiếu chính phủ
Theo thống kê của NHNN, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2016 là 8,5 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay chiếm 65% so với tổng tài sản; tổng dư nợ TPCP mà hệ thống ngân hàng nắm giữ chỉ chiếm 8% trên tổng tài sản của ngân hàng. Năm 2016, khối lượng phát hành TPCP đã đạt 281.750 tỷ đồng, tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm, trong đó 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70%). Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Tài chính phát hành thành công TPCP kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,71 năm (tăng 1,73 năm so với năm 2015), qua đó kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ Chính phủ lên mức 5,98 năm vào cuối năm 2016, tăng 1,54 năm so với cuối năm 2015. Lãi suất phát hành bình quân là 6,49% (giảm từ 0,22% - 0,5% ở tất cả các kỳ hạn). Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), năm 2016, khối lượng phát hành đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015, từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp.
HÀ MY