Hoàn thiện hạ tầng
Hiện trạng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Củ Chi có 1.674 tuyến đường với tổng chiều dài 1.383km. Trong giai đoạn 2010-2015, huyện Củ Chi đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 495 tuyến đường với chiều dài 640km; trong đó có 40 tuyến đường trục liên xã, 196 tuyến đường trục liên ấp, 136 tuyến đường ngõ, xóm và 123 tuyến đường trục nội đồng. Để thực hiện nội dung này, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi đã phối hợp nhiều phòng ban, UBND các xã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM”. Hiện nay đã có 482 tuyến đường trên địa bàn được trải nhựa hay bê tông hóa với tổng chiều dài 684km; 1.188 tuyến đường cấp phối sỏi đỏ, cấp phối đá dăm với chiều dài 675km...
Để cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, toàn huyện có 7 trạm điện 110kV cung cấp điện, tỷ lệ mang tải bình quân của các trạm trung gian trên địa bàn huyện là 35,7%; có 930km đường dây trung thế và 1.321km đường dây hạ thế phủ kín toàn huyện. Ngoài ra huyện còn có 2.078 trạm biến áp, 3.637 máy biến áp với tổng công suất 669.092kVA.
Đến nay, huyện Củ Chi đã phủ kín lưới điện quốc gia, duy trì và đáp ứng tiêu chí điện nông thôn theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với lưới điện trung, hạ áp và trạm biến áp phân phối; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về cung cấp điện và được sử dụng điện thường xuyên. Hệ thống điện đã đáp ứng 100% hộ dân sử dụng điện qua điện kế đấu nối trực tiếp từ lưới điện quốc gia. Ngoài ra, toàn huyện còn được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường trục.
Theo Công ty Điện lực Củ Chi, ngành điện đã thực hiện cải tạo và xây dựng mới 74,6km đường dây trung thế, 4,6km đường dây hạ thế, lắp đặt 103 trạm điện với tổng công suất 38.200kVA; tăng cường công suất 13 trạm hạ thế với tổng công suất tăng thêm 4.300kVA, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên từ lưới điện quốc gia đạt 100%. Năm 2018, hưởng ứng “Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM”, ngành điện tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp và kiện toàn hệ thống lưới điện trung - hạ thế với 12,6km lưới hạ thế, 165 trạm biến áp, công suất 42.500kVA, với tổng vốn đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Củ Chi thường xuyên hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức tư vấn cho khách hàng sử dụng điện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng tại các xã trên địa bàn.
Đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường
Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện đầu tư sản xuất, thường xuyên quan tâm công tác củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Trong những mô hình chăn nuôi tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm ảnh hưởng đến môi trường, có thể kể đến mô hình chăn nuôi bò sữa được ứng dụng tại Hợp tác xã (HTX) TM-DV-SV Tân Thông Hội, mô hình chuyển giao giống heo có nguồn gốc Đan Mạch được ứng dụng tại HTX Tiên Phong, mô hình thiết bị sấy thực phẩm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời được ứng dụng tại HTX Tương Lai, mô hình hệ thống rửa củ nghệ tươi ứng dụng tại một số nông hộ trên địa bàn xã Trung An… Tuy nhiên, vẫn còn một số mô hình chưa phát triển như kỳ vọng. Ngoài lý do kinh phí đầu tư lớn thì yếu tố giá thành đầu ra của sản phẩm không ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Trên địa bàn huyện có 4.855 đơn vị sản xuất. Trong số này, phần lớn các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhưng cũng tồn tại một số đơn vị hoạt động xen cài trong khu dân cư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định, như giải pháp xử lý chất thải chưa đảm bảo đạt quy chuẩn. Thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện có 8.179/10.727 hộ xử lý chất thải bằng lắng lọc, biogas, đệm lót sinh học… đạt tỷ lệ 76,25%. Một số hộ tận dụng chất thải rắn chăn nuôi phát sinh để làm phân bón cho vườn cây. Trên địa bàn huyện có 3 làng nghề truyền thống đang hoạt động, gồm làng nghề bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, làng nghề đan lát xã Thái Mỹ và làng nghề mành trúc xã Tân Thông Hội; nhưng chỉ có làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông có hệ thống thu gom xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Nhằm phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết định hướng tới đây của huyện là giảm số lượng đàn bò sữa, tập trung nâng cao chất lượng và năng suất sữa bò; phát triển đàn bò thịt lai cao sản; giảm quy mô đàn heo, quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung tiến tới không còn trại nuôi ở những khu dân cư tập trung; ưu tiên phát triển trang trại và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô đàn trên 50 con. Về trồng trọt, tăng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. Đối với thủy sản tập trung sản xuất cá kiểng hướng đến xuất khẩu và sản xuất cá giống. Đặc biệt, gắn kết các mô hình sản xuất nông nghiệp với du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách để phát triển ngành du lịch.