Huyền thoại đàn đá Đắk Ka

Huyền thoại đàn đá Đắk Ka

Trên dòng suối Đắk Ka huyền thoại, người dân bon (cách gọi buôn, làng của người M’nông - PV) Bubir của xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã tìm thấy nhiều bộ đàn đá quý báu. Họ đem về cất giữ trong nhà và chỉ đem ra đánh trong những dịp lễ hội của bon mình.

        Đi tìm huyền thoại

Từ xa xưa, con suối Đắk Ka (còn gọi suối đá) đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân bon Bubir, nơi đây cũng lưu giữ nhiều huyền thoại liên quan đến những bộ đàn đá (goong lú) của họ. Cùng bon phó Điểu Song và anh Điểu Phương (một người dân thường vào đây tìm đàn đá), chúng tôi đã lội bộ vào con suối Đắk Ka. Phía thượng nguồn con suối, thác nước đổ ầm ầm như tiếng trống rền vang lúc ra trận. Còn phía hạ nguồn, con suối chảy êm đềm như dãi lụa trắng băng qua nương rẫy người dân. Anh Điểu Song cho biết chưa bao giờ thấy con suối cạn nước và người dân trong bon thường lấy nước ở đây về dùng. Vào mùa khô, họ mới tìm được những bộ đàn đá khi dòng nước suối chảy nhẹ nhàng hơn.

“Suối Đắk Ka như là nguồn sống của đồng bào vậy. Sau một ngày làm việc, tôi cũng như bà con trong bon thường dừng chân bên con suối để nghỉ mát, tắm gội” - anh Điểu Phương tâm sự.

Những bộ đàn đá quý hiếm của anh Điểu Phương.

Những bộ đàn đá quý hiếm của anh Điểu Phương.

        Lưu giữ báu vật truyền thống

Bon Bubir hiện có 53 hộ với hơn 500 nhân khẩu, trong đó chủ yếu đồng bào M’nông. Ở bon Bubir, hiện có rất nhiều người còn lưu giữ được bộ đàn đá quý hiếm. Trong nhà của anh Điểu Phương, những bộ đàn đá tìm thấy ở suối Đắk Ka được anh trưng bày trang trọng trong phòng khách. Việc sưu tầm đàn đá đến với anh như cái duyên tiền định. Từ thuở nhỏ, anh đã được nghe ông bà, những người già trong bon đánh đàn đá cũng như các sự tích liên quan đến dòng suối. Chính âm thanh trong trẻo, lạ lẫm đó cứ vang vọng trong tiềm thức của Điểu Phương. “Năm 2001, trong lúc chơi ở suối Đắk Ka, tôi vô tình thấy một thanh đá có hình dáng đẹp liền mang về cho những già làng trong bon xem. Sau khi biết đó chính là đàn đá, tôi đã đem cất cẩn thận và học cách chơi nó. Vào mùa nắng, tôi lại vào suối Đắk Ka tìm đàn đá. Từ đó đến nay, tôi đã sưu tầm được 5 bộ đàn đá, mỗi thanh nặng từ 5 - 15kg”, anh Điểu Phương kể. Sau khi sưu tầm được, anh Điểu Phương mời những nghệ nhân am hiểu về đàn đá để thẩm định và sắp xếp theo đúng trình tự âm thanh hoàn chỉnh.

Sau gần 10 năm tìm kiếm, anh Điểu Chôi cũng có được 3 bộ đàn đá, trong đó có một bộ hoàn chỉnh với 6 thanh đá. Anh đã học được cách chơi bộ đàn đá này từ các nghệ nhân Điểu Têu và Điểu Tua. Trong phút hứng khởi, anh liền chơi một bài dân ca của người M’nông. Âm thanh bộ đàn đá cất lên nghe như tiếng núi rừng ngàn xưa vang lại. Âm sắc nghe rất lạ tai, lúc dìu dặt lúc réo rắt và có lúc thủ thỉ như một lời tâm tình. Nghệ nhân Điểu Têu cho rằng: “Đàn đá như biểu tượng cho tiếng lòng của người M’nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Khi được đánh lên, âm thanh của đàn đá làm người nghe có thể cảm nhận được người Tây Nguyên đang gửi lòng mình vào đá”.

Huyện Đắk R’lấp cũng đã tổ chức nhiều lớp dạy đánh đàn đá, cồng chiêng... cho thanh niên của các bon làng trong huyện để giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Truyền thuyết kể rằng, xưa có đôi vợ chồng nọ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Một hôm, trong lúc giăng lưới đánh cá tại suối Đắk Ka, người chồng thấy 3 thanh đá có hình thù kỳ dị, lóng lánh. Anh liền mang về, nhưng khi đi được nửa đường bỗng gặp trời mưa gió, sấm chớp nổi lên ầm ầm. Những phiến đá to nằm sừng sững bên dòng suối bỗng nhiên vỡ tung. Quá sợ hãi, vợ chồng anh mang trả đá về nơi cũ. Hôm sau, khi anh ra đánh cá tại con suối đó, lại thấy 3 thanh đá dính chặt vào lưới. Nghĩ rằng đá thần, vợ chồng đem về cùng với bà con dân làng tổ chức làm lễ cúng. Bỗng khi đang cúng, những thanh đá phát ra âm thanh trong trẻo, nghe rất vui tai. Cũng từ đó, họ đem những thanh đá này ra đánh trong dịp lễ hội bon làng.

CÔNG HOAN - MỸ HẰNG

Tin cùng chuyên mục