Nói đến địa đạo, người miền Nam thường nghĩ đến Củ Chi nhưng còn nhiều nơi có địa đạo nữa. Đầu tiên là địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TPHCM) có từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến 1961-1965 là địa đạo Củ Chi.
Vào cuối năm 1963, đồng chí Trần Nam Trung từ Trung ương Cục ra Bắc, qua thăm làng chiến đấu Vĩnh Linh, quan sát địa hình thổ nhưỡng, đồng chí gợi ý: Vĩnh Linh nên đào địa đạo như Củ Chi để sử dụng. Từ đấy, trên mảnh đất lửa lũy thép này, địa đạo Vĩnh Linh ra đời, để rồi qua suốt những năm chiến tranh bắn phá miền Bắc, nửa triệu tấn bom đạn Mỹ dội xuống mảnh đất Vĩnh Linh nhỏ bé, mỗi đầu người phải gánh chịu 7 tấn bom đạn các loại, hố bom chồng lên hố bom, con người vẫn sống. Nhờ đất mẹ ôm chặt các con vào lòng che chở, người tựa vào đất, bám chặt vào đất, chui sâu xuống lòng đất để được sinh tồn.
Tôi đến thăm di tích Địa đạo Vịnh Mốc, một trong 114 địa đạo ở Vĩnh Linh, trong dịp về Thành cổ Quảng Trị kỷ niệm 40 năm chiến thắng. Địa đạo ở đây để tránh bom. Thời kỳ ác liệt nhất từ 1967-1968, bom đạn dội xuống cả ngày đêm liên hồi. Trẻ em và người già phải đi sơ tán ra các tỉnh phía Bắc để sống và học hành. Còn lại là quyết một tấc không đi, một ly không rời, mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu, cả Vĩnh Linh rầm rộ tiến sâu vào lòng đất. Địa đạo không đơn thuần để trú ẩn khi bom rơi và chiến đấu, mà đã trở thành một không gian sinh tồn, sự sống đã lặn sâu trong lòng đất, cả làng lặn sâu vào lòng đất, thực sự là làng ngầm trong đất, moi đất bằng hai bàn tay, sức người và những cuốc thuổng.
Địa đạo Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Linh tọa lạc trong lòng một quả đồi rộng 7ha, dài 1,7km, với 13 cửa ra vào, hình thành một làng nhỏ trong lòng đất. Có một trục đường chính rộng hơn 1m, cao 1,6m, nối liền từng hộ gia đình, thông hơi thông khí, chia làm ba tầng sâu nông, có nhà hộ sinh (nhà hộ sinh này đã có 17 bé ra đời), có “trạm xá” sơ cấp cứu, nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, nhà vệ sinh… và cả một hội trường sức chứa 60 người để họp, văn nghệ, xem phim.
Thật là một điều kỳ diệu. Bom tấn thường đào sâu 7m nhưng vì có loại bom khoan, khoan sâu tới 23m nên có nơi địa đạo sâu đến 30m. Nhà cửa trên mặt đất đã tan nát hết, dân ta lấy gỗ chống vòm hầm. Đúng như câu ca còn ngân vọng đến giờ: Nhà tan cửa nát cũng ừ/Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau. Ngưng tiếng bom là dân lại lên đồng ruộng tiếp tục sản xuất và chiến đấu. Tất nhiên là không tránh được hết tổn thất, làng địa đạo Vịnh Mốc này cũng đã có 10 hầm sập, trên 50 người chết vì bom. Không có địch càn như ở Củ Chi nhưng chỉ cần phát hiện ra dấu vết đất lạ là máy bay địch tới thả bom.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đã làm nên nhiều huyền thoại, địa đạo Vịnh Mốc vùng đất lửa lũy thép Vĩnh Linh này là một trong những huyền thoại ấy.
Mã Thiện Đồng