Hy Lạp lại “thắt lưng buộc bụng”

Tối 22-5, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói dự luật cải cách mới gây nhiều tranh cãi, trong đó bao gồm các biện pháp cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế với hy vọng các chủ nợ quốc tế có thể giải ngân gói cứu trợ thứ ba, trị giá 86 tỷ EUR.

>> Hy Lạp lại “thắt lưng buộc bụng”
>> Hy Lạp chia rẽ sau thỏa thuận cứu trợ

Tối 22-5, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói dự luật cải cách mới gây nhiều tranh cãi, trong đó bao gồm các biện pháp cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế với hy vọng các chủ nợ quốc tế có thể giải ngân gói cứu trợ thứ ba, trị giá 86 tỷ EUR.

Theo các biện pháp vừa được thông qua, Hy Lạp sẽ thu về 1,8 tỷ EUR/năm từ việc tăng thuế. Thuế giá trị gia tăng đối với nhiều loại thực phẩm và đồ uống sẽ được tăng từ 23% lên 24%. Nhiên liệu, thuốc lá và thậm chí dịch vụ Internet... cũng sẽ đắt đỏ hơn. Ngoài ra, du khách tới Hy Lạp cũng phải trả thêm tiền khi ở khách sạn hay vào thăm các viện bảo tàng ở nước này...

Gói biện pháp cho phép áp đặt các loại thuế và phí, cũng như tăng mức thuế so với hiện nay, là một phần trong thỏa thuận của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế nhằm tiết kiệm khoảng 5,4 tỷ EUR để đổi lấy khoản tín dụng giải nguy cho quốc gia đang ngập trong nợ nần. Dự luật mới được thông qua 2 ngày trước khi các bộ trưởng tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 24-5, để thảo luận về vấn đề giảm nợ và tiếp tục giải ngân cho Hy Lạp. Hiện Hy Lạp đang rất cần khoản giải ngân tiếp theo để có thể trả món nợ đến hạn khổng lồ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF vào tháng 7 tới, cũng như thanh toán cho các khoản chi tiêu công đang bị đình trệ.

Theo truyền thông Hy Lạp, các loại thuế gián tiếp mới sẽ khiến mỗi người dân nước này mất một tháng lương, tương đương khoảng 810 EUR/người/năm. Cho nên, ngay trong ngày quốc hội bỏ phiếu, hơn 10.000 người đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Athens biểu tình phản đối. Cũng như lần trước vào ngày 8-5, dự luật lần này đã được thông qua cũng chỉ nhờ sự ủng hộ của 153 nghị sĩ đến từ liên minh cầm quyền do đảng Syriza đứng đầu, vừa đủ để đạt đa số trên tổng số 300 ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, không chỉ có mâu thuẫn nội bộ, bản thân các chủ nợ của Hy Lạp cũng đang có những bất đồng do mỗi bên có những nhận định khác nhau về thực trạng kinh tế Hy Lạp và cách thức giảm nợ dành cho nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quan điểm không đồng nhất về việc liệu Hy Lạp có thể đạt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP vào năm 2018. Theo Reuters ngày 22-5, trong khi EU tin tưởng Hy Lạp có thể đạt mục tiêu này thì IMF lại cho rằng, mục tiêu là quá lạc quan và khẳng định Athens vẫn cần được cắt giảm nợ, đi kèm với các biện pháp bổ sung khác.

Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ thông qua các cuộc cải cách đã kéo dài trong nhiều tháng, chủ yếu là do sự rạn nứt giữa EU và IMF về sức chịu đựng ở Athens đối với các biện pháp ngặt nghèo này. Ngoài việc tăng thuế, gói biện pháp khắc khổ vừa mới thông qua trên cũng cho phép thành lập một quỹ tư nhân hóa phụ trách việc bán các công ty hay bất động sản của nhà nước và do các chủ nợ của Hy Lạp kiểm soát (theo yêu cầu của các Bộ trưởng Tài chính Eurogroup). Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dù đây là một cơ chế dự phòng cắt giảm chi tiêu nhằm phá vỡ bế tắc của cuộc đàm phán, nhưng IMF dường như vẫn chưa sẵn lòng phê duyệt khoản giải ngân này cho xứ sở các vị thần.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục