Hy Lạp xoay xở mưu sinh

Với tỷ lệ đói nghèo trên 40%, số người thất nghiệp chiếm gần 1/4 dân số, nền kinh tế suy yếu, ngày càng nhiều người Hy Lạp buộc phải xoay xở, kiếm sống bằng nhiều cách, nếu không muốn rơi vào cảnh khốn khó.

Ông Ilias Mathes là một trong những người cao tuổi may mắn tại Hy Lạp khi không phải sống dựa hoàn toàn vào đồng lương hưu ít ỏi mà chính phủ cấp hàng tháng. Để đảm bảo cho cuộc sống của mình, cụ ông trên 60 tuổi phải tự xây dựng một nông trang nhỏ ở ngọn núi Arcadia Pelopnnese, nuôi 10 con dê, vài chục con gà và một mảnh đất trồng rau. Gần nhà ông Mathes là gia đình chị Maria, vợ của cựu kỹ sư điện Psomiadis, từng làm việc cho một công ty sản xuất vải, sau khi học được cách làm xà phòng từ chất cặn của quả ô liu đã tự bán sản phẩm ngay tại nhà. Chị còn đóng hộp và lưu trữ tất cả các loại trái cây và rau quả trong vườn nhà khi thu hoạch phòng trường hợp bị mất mùa.

Số lượng những người Hy Lạp rời thành thị và chọn cuộc sống nơi làng quê rộ lên trong vài năm gần đây. Theo AP, chưa có con số thống kê chính xác nhưng họ đã và đang xây dựng một cuộc sống yên bình và tạm hài lòng với những gì đang diễn ra hơn là việc bon chen mệt mỏi tại các đô thị. Không ít người như ông Mathes, chị Maria, chọn việc sản xuất những sản phẩm nuôi trồng trên chính mảnh đất làng. Nếu không có khả năng trả tiền mặt, họ sẵn sàng đổi các vật dụng khác cho nhau. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp Hy Lạp, khoảng 68% người dân đang cân nhắc việc rời khỏi các thành phố và chuyển về nông thôn, 19% đã bắt đầu lập kế hoạch để làm như vậy, trong khi 30% muốn làm nông nghiệp.

Cũng trong vài năm qua, cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp khiến nhiều người xem Australia là mảnh đất thiên đường để định cư. Gần 20.000 người dân Hy Lạp đã kéo đến xin định cư ở Australia khi đất nước chìm trong cảnh vỡ nợ. Đối với những người vợ hoặc chồng có quốc tịch Australia, họ xem đây là cơ hội đổi đời. Tình trạng người Hy Lạp đổ sang Australia tạo nên làn sóng di dân khỏi Hy Lạp lớn nhất kể từ khi nước này trải qua cuộc nội chiến vào thập niên 1940 khiến hơn 150.000 dân phải chạy sang Australia. Không ít người dân Australia e ngại rằng, trong thời gian tới, người di cư Hy Lạp sẽ gia tăng sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội của các thành phố lớn.

Trong lúc nhiều người dân Hy Lạp tỏ ra không màng đến chính sự thì có không ít những người khác đang mong chờ vào cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 20-9 tới. Các quan chức Liên minh châu Âu tại Brussels nhận định, cựu Thủ tướng Tsipras có thể sẽ tái cử với một đa số ủng hộ mới và loại bỏ được các phe phái chống đối ngày càng mạnh trong nội bộ đảng Syriza. Đây là điều rất đáng chú ý bởi từ chỗ là “kẻ khó ưa” với Brussels, ông Tsipras đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt sau cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 6. Tuy nhiên, liệu chiến thắng có tiếp tục dành cho Tsipras vẫn là điều khó đoán. Kết quả thăm dò do Reuters công bố mới đây cho thấy, đảng Syriza của ông Tsipras đang bị đối thủ Dân chủ mới bám sát về tỷ lệ ủng hộ. Syriza chiếm 26,5% còn Dân chủ mới là 25,9%. Ông Tsipras đã loại trừ nguy cơ liên minh với đảng khác nên cuộc đua sắp tới giữa hai đảng hứa hẹn sẽ nhiều gay cấn.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục