Hy vọng 'mía ngọt' trở lại

Những ngày qua, giá đường trong nước tăng cao làm cho nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - nơi có diện tích trồng mía lớn nhất vùng ĐBSCL, hy vọng một vụ mía ngọt. 
Hy vọng 'mía ngọt' trở lại

Giá đường bán buôn trong nước hiện đạt mức hơn 20.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ông Trần Công Thuận, kinh doanh đường cát tại ĐBSCL cho biết, giá bán lẻ đường cát dao động 21.000-22.000 đồng/kg, còn trong các siêu thị từ 23.000-25.000 đồng/kg.

Còn nhớ năm 2018, giá đường bán buôn giảm chỉ còn 11.600 đồng/kg, đường tồn đầy kho trong các nhà máy sản xuất. Đó cũng là thời điểm hàng loạt nhà máy đường phá sản. ĐBSCL từ chỗ có 10 nhà máy đường, giờ chỉ còn 3 nhà máy (Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Trà Vinh) cầm cự hoạt động. Diện tích trồng mía cũng giảm nghiêm trọng, từ 90.000ha, giờ chỉ còn khoảng 20.000ha, tập trung ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... Vấn đề tồn tại lâu nay của ngành mía đường là giá thành sản xuất cao, không cạnh tranh lại với các nước sản xuất đường trong khu vực, nhất là khâu thu hoạch chưa được cơ giới hóa nên chi phí thuê nhân công đốn mía rất cao. Cùng với đó, nạn buôn đường lậu qua biên giới Tây Nam gây khó khăn cho các nhà máy đường sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia ngành đường, hiện nay giá đường trong nước tăng cao trở lại do tác động của nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân mặt bằng giá đường thế giới tăng mạnh lên 560 USD/tấn, cao hơn năm ngoái gần 100 USD/tấn; và Bộ Công thương có Quyết định số 1578 áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Các nguyên nhân này đã tác động đến giá tham chiếu mặt hàng đường trong khu vực, kéo theo giá đường lậu cũng tăng cao. Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo, niên vụ 2021-2022 sẽ là một năm khởi sắc của ngành mía đường trong nước.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có 5.410ha mía, phân bố chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy, đến nay đã thu hoạch được hơn 1.500ha, chủ yếu bán làm nước giải khát với giá từ 1.200-1.400 đồng/kg. Diện tích mía nguyên liệu còn lại có thể cung cấp khoảng 200.000 tấn cho nhà máy đường Phụng Hiệp. Lãnh đạo Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết, từ ngày 4-12, Nhà máy đường Phụng Hiệp bắt đầu thu mua mía của nông dân để ngày 9-12 triển khai ép mía nguyên liệu. CASUCO dự kiến giá mía thu mua niên vụ 2021-2022 là 1.180 đồng/kg (đối với mía 10 chữ đường) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp. Mức giá này cao hơn 250 đồng/kg so với vụ mía trước.

Cây mía bao năm thăng trầm, hàng ngàn nông dân đã bỏ mía chuyển sang trồng cây khác. Những người còn bám trụ là những nông hộ có truyền thống trồng mía nhiều năm. Hy vọng nông dân sẽ có một vụ “mía ngọt” và ngành mía đường có thể bật trở lại sau nhiều năm điêu đứng.

Tin cùng chuyên mục