Như đã biết, bất chấp sự vắng mặt của hàng chục quốc gia, vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên hiệp quốc (LHQ) nhằm đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc vẫn diễn ra ngày 27-3 tại New York. Trong số khoảng 40 nước từ chối tham gia sự kiện này, có 5 cường quốc về hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Lý do các nước này đưa ra là trong bối cảnh khủng hoảng an ninh như hiện nay, ý tưởng không phổ biến vũ khí hạt nhân là “không tưởng”. Nhật Bản - quốc gia duy nhất từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945 - cũng từ chối đàm phán với lý do sự thiếu đồng thuận trong đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Thực ra, sự vắng mặt của các nước kể trên cũng không quá bất ngờ. Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết L41, theo đó tổ chức các vòng đàm phán với sự nhất trí của 113 quốc gia và hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên. Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi đó.
Dưới chính quyền của Tổng thống Obama, chi tiêu hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân đã tăng cao hơn trong bất kỳ đời tổng thống nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Vào dịp Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư tại Washington năm 2016, ngoại trừ Triều Tiên, nước không được mời đến các cuộc đàm phán, Nga là cường quốc hạt nhân không cử đến một đại biểu cấp cao nào. Một thời gian dài, cả Nga và Mỹ đều tìm cách đàm phán những cắt giảm hết sức kho vũ khí của nhau, trong khi thực chất tăng cường chính kho vũ khí của nước mình.
Châu Âu khó có thể trở thành khu vực phi vũ khí hạt nhân trong tương lai gần vì kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của NATO đang đẩy châu lục này vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Còn châu Á luôn là điểm nóng vì có Triều Tiên với chương trình tên lửa hạt nhân. Đáng nói là cả châu Âu và châu Á đều chưa có các hoạt động mạnh mẽ để tiến tới một lệnh cấm “toàn cầu, tổng thể và thực sự” phù hợp với Chiến dịch quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân (ICAN) năm 2007.
Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon từng khẳng định loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh cho mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do vẫn còn tồn tại những quan điểm cho rằng, vũ khí hạt nhân giúp đảm bảo an ninh hoặc tăng cường vị thế và uy tín của nước sở hữu nó, từ đó kéo theo nhiều nước khác chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân nên một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn là một giấc mơ. Kết quả là an ninh của các nước này đều bị đe dọa.
Tổng thống Pháp F.Hollande, trong khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ, đã đề xuất các nước thành viên thường trực HĐBA nên xây dựng một “bộ luật ứng xử” để trong những tình huống xuất hiện tội ác quy mô lớn chống nhân loại, “họ có thể quyết định cùng nhau từ bỏ quyền phủ quyết”. Vũ khí hay vũ khí hạt nhân đều gây ra những hậu quả phi nhân đạo. Vì thế, loại trừ vũ khí hạt nhân cũng mang ý nghĩa đạo đức rất lớn. Liệu có thể hy vọng một ngày nào đó, các nước lớn tự nguyện chấp nhận rút đặc quyền của mình vì đạo đức dành cho nhân loại?
VIỆT KHUÊ