Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi sau khi chạm mốc 5 năm chìm trong khủng hoảng và suy thoái, nhiều tổ chức và chuyên gia đều thống nhất nhận định “Kinh tế thế giới năm 2014 sẽ ghi nhận sự chuyển biến tiến tới ổn định hơn, an toàn và phục hồi bền vững hơn”.
Mức tăng trưởng GDP ở Mỹ là 2% (năm 2013) và được kỳ vọng sẽ đạt mức tốt hơn trong năm nay. Liên minh châu Âu (EU) đang dần thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng khiêm tốn 1%. Nhật Bản có những cải cách mang lại hiệu quả tích cực, các nền kinh tế mới nổi đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ đang có sự chững lại để điều chỉnh sau thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ. Đây là những cơ sở để kỳ vọng năm 2014 thuận lợi và tươi sáng hơn. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 sẽ theo xu hướng cải thiện, với mức tăng chung khoảng 3,5% - 4,1%, mức cao nhất trong 4 năm qua.
Tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa bế mạc tại Thụy Sĩ, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đều đồng ý rằng kinh tế thế giới đang hồi phục. Tiến triển này sẽ xoay quanh ba trụ cột chính: Sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế thế giới mang đến nhiều triển vọng cho năm mới, thì hy vọng cho một nền hòa bình thế giới lại dự báo nhiều trở ngại. Nếu như vấn đề xung đột và chiến tranh ở Syria được giải quyết theo hướng tích cực dưới vai trò trung gian hòa giải của Nga là một thành công, góp phần dập tắt nguy cơ chiến tranh ở khu vực Trung Đông, thì bóng ma nội chiến đang chực chờ ở Thái Lan và Ukraine. Hai nước nằm ở 2 châu lục khác nhau nhưng đều đang bị rung chuyển bởi làn sóng biểu tình chống chính phủ, gây ra hàng loạt những vụ đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Phe đối lập ở cả hai nước đều không chấp thuận những nhượng bộ của chính phủ, thay vào đó, họ tỏ ra coi thường luật pháp và liên tục ép chính phủ phải làm theo các yêu sách của họ.
Trong khi đó, cục diện châu Á tiếp tục thay đổi với những bước leo thang chóng mặt của Trung Quốc, trong đó có sự kiện đơn phương thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông. Trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt ở Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos ngày 22-1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản đã kêu gọi thế giới đứng lên chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, nếu không sẽ xảy ra xung đột khu vực với những hậu quả kinh tế thảm khốc.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thông điệp đầu năm của nhiều nguyên thủ trên thế giới, đặc biệt là lời chúc của Giáo hoàng Francis trong ngày Hòa bình thế giới của Công giáo vừa qua, đã nhấn mạnh đoàn kết và hòa bình như một cảnh tỉnh chung và giải pháp cần thiết cho ổn định và phát triển của toàn nhân loại. Mọi thông điệp đều hy vọng rằng năm 2014 sẽ là thời điểm gia tăng sức mạnh, lòng can đảm và khuyến khích đối thoại nhiều hơn, hành động thống nhất hơn giữa cộng đồng các quốc gia, dân tộc tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự đa dạng của thể chế, giới tính, sắc tộc hay màu da để cam kết xây dựng một thế giới ôn hòa hơn, nhân từ hơn, công bằng hơn, hòa bình hơn…
HẠNH CHI