Cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2010 thu hút sự chú ý của công chúng bởi hai lẽ. Thứ nhất, đánh dấu 20 năm có mặt của sân chơi này trong đời sống âm nhạc. Thứ hai, tôn vinh giọng ca H’Zina Bya ở vị trí cao nhất một cách xứng đáng. Cả ban giám khảo và khán giả bình chọn bằng tin nhắn đều dành thiện cảm cho cô gái đến từ Đắc Lắc, ít nhiều giúp sàn diễn có một gương mặt thực sự vượt trội.
Thế mạnh của H’Zina Bya nằm ở sự nồng cháy đặc thù mà tạo hóa ban tặng cho các ca sĩ xuất thân từ núi rừng Tây Nguyên. Tuy không có ngoại hình bắt mắt theo tiêu chuẩn của thị hiếu đương thời, nhưng H’Zina Bya khiến công chúng rung động qua các bài hát Nồng nàn cao nguyên, Cho tình yêu bay lên bồng bềnh và Em muốn sống bên anh trọn đời. Tạm thời H’Zina Bya thuyết phục người nghe bằng lối hát mộc mạc, cảm xúc mạnh, còn sự rèn luyện để phát huy chất giọng rực lửa vẫn phải trông đợi ở tương lai.
Tuy nhiên, sự có mặt của H’Zina Bya giúp những ai quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn phải tư duy nghiêm túc hơn về cách kiến tạo một vẻ đẹp giọng ca đại ngàn. Bởi lẽ, trước H’Zina Bya đã từng có cô gái dân tộc Lạch - Bonner Trinh đăng quang Ngôi sao tiếng hát truyền hình nhưng dường như ngày càng lẩn khuất giữa phấn son sân khấu ca nhạc.
Người yêu nhạc Việt Nam đã òa lên hạnh phúc khi chứng kiến sự xuất hiện của Y Moan vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Suốt 30 năm gắn bó với nghiệp ca sĩ, Y Moan dựng lên một biểu tượng rực rỡ về sức quyến rũ của thác đổ, của suối reo, của rừng gọi. Bây giờ Y Moan đã nằm xuống vĩnh viễn với buôn làng, muốn có một Y Moan khác không hề đơn giản. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá lại những chuyển biến tích cực trên con đường âm nhạc, không khó khăn gì để nhận diện một vài tên tuổi được bồi đắp bởi sắc thái văn hóa dân tộc thiểu số như Rơ Chăm Peng, Măng Thị Hội, Siu Black và gần đây có thêm Y Dắk, Y Jang Tuyn, Y Vôn…
Từ những lễ hội quanh nhà rông hoặc nhà dài, các tiếng hát bay qua thảo nguyên lộng gió để đến với mọi miền đất nước và nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt. Sự thành công ấy vẫn nằm ở chừng mực nhất định vì hai trở ngại chưa được lưu ý cụ thể: cách hòa âm phối khí và cách phục trang nghệ sĩ. Công nghệ biểu diễn hiện đại nếu không trực tiếp hỗ trợ xây dựng hình ảnh đặc thù, thì dễ đẩy các giọng ca đại ngàn bị nhạt nhòa vào đám đông chen lấn của thị trường âm nhạc trong giai đoạn mới.
Đóng góp của các ca sĩ dân tộc thiểu số càng ngày càng cần thiết hơn cho hoạt động văn nghệ Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế. Tiếp nối giai điệu các nghệ sĩ đi trước, không phải là một nhiệm vụ bất khả thi đối với H’Zina Bya, chỉ cần cô gái Ê Đê khổ công rèn luyện và giữ vững niềm tin vào những khúc hát mang nhịp đập trái tim mình!
LÊ THIẾU NHƠN