Hệ thống sông, kênh Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 1.000km, có thể vừa sử dụng làm giao thông thủy vừa phát triển du lịch. Chính vì vậy, TPHCM đã lên kế hoạch tăng tốc phát triển du lịch đường sông, nhưng nhiều năm qua, các tuyến du lịch này vẫn “kém sắc”, phát triển ì ạch. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thiếu điểm nhấn
Hoạt động du lịch đường thủy được TP rất quan tâm và trên thực tế đã mở nhiều tuyến tham quan trên rạch Tàu Hủ, rạch Bến Nghé, tuyến tham quan dành cho du khách muốn thưởng ngoạn Cần Giờ… Trong năm 2016 còn có dự án cải tạo đập Năm Lý, thông tuyến giao thông thủy rạch Trau Trảu nối quận 2 với quận 9 (kế hoạch triển khai năm 2016, hoàn thành năm 2018), giúp giảm thời gian lưu thông đi quận 9 nhằm phát triển tuyến du lịch dã ngoại cuối tuần ở cù lao Long Phước. Bên cạnh đó, dự án khôi phục kênh Hàng Bàng, Vạn Tượng thuộc quận 5 và 6, dự kiến hoàn thành năm 2020, cũng tạo điều kiện làm phong phú sản phẩm du lịch đường thủy nội đô. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một số tuyến được mở ra nhưng doanh nghiệp “ngại” tham gia, chưa muốn đưa khách tham quan bởi vướng nhiều lý do, mà một trong những lý do này là thiếu điểm nhấn du lịch đường sông.
Thuyền chở khách du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Ảnh: CAO THĂNG
Bà Dương Thị Thu Thủy, chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhận định du khách đến Sài Gòn, ngoài việc đi thăm các di tích như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ), Nhà thờ Đức Bà , Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng... thì hầu như không còn chỗ để đến. Nếu so sánh với du lịch đường thủy của nước bạn Thái Lan, chúng ta có thể học hỏi được nhiều vấn đề. Chẳng hạn, chỉ với 4km con kênh Chao Phraya ở Bangkok, sau khi được Tổng cục Du lịch Thái Lan lên chiến lược phát triển du lịch đường thủy, con kênh này được nạo vét, mở rộng thành con sông. Người Thái đã xây dựng thêm những điểm nhấn khác ngoài ngôi chùa Wat Arun để thu hút du khách. Đoạn đường thủy này đã trở thành địa chỉ hốt bạc của ngành du lịch Thái với con số hơn 5 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm.
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành có tiếng tại TPHCM chia sẻ, kênh Nhiêu Lộc sau khi được tôn tạo chỉ có thuyền đưa du khách chạy “vòng vòng nghiêng ngó” dòng kênh. Đã vậy, khi nước triều xuống thuyền còn không chạy được, nên chỉ thu hút khách được vào khoảng 16 giờ trời mát. Trong khi đó, cũng ở Thái Lan, người ta tạo ra quang cảnh mua bánh mì cho đàn cá phóng sinh ăn để nhận được phước lành. Ngoài ra, các di tích, nét văn hóa đời sống của cư dân khu vực miếu nổi Nhiêu Lộc quá yếu, công trình xanh hai bên bờ kênh bị cứng, thô sượng, không có những nét duyên. Chưa kể, khoảng từ 18 giờ, cảnh quan tối dần, không quan sát được hai bên bờ. Riêng với dòng sông Sài Gòn, tuyến tham quan khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không có sự kiện thu hút sự chú ý như cầu rồng phun lửa, phun nước như ở sông Hàn Đà Nẵng. Ngoài địa chỉ Bến Nhà Rồng huyền thoại, các du thuyền của ta phục vụ du khách chỉ rập khuôn mô hình phục vụ ăn nhậu trên sông, cho tàu đi lòng vòng rồi về, nên du ngoạn sông Sài Gòn chỉ thấy những vạt cây lúp xúp xanh xanh; những công trình bê tông mới làm mất đi vẻ mỹ quan và nét thơ mộng…
Cần quy hoạch đồng bộ
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, nếu đánh giá kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy có sự phát triển thụt lùi các tuyến du lịch đường thủy trong thời gian qua. Chẳng hạn, mấy năm trước, UBND TP giao cho Saigontourist phát triển 8 tuyến du lịch đường thủy, nhưng giờ hầu như không còn tuyến nào do vắng khách. Trừ tuyến đi địa đạo Củ Chi bằng ca nô chứ không phải tàu, hoặc các hợp đồng đi Cần Giờ (không phải là tuyến hàng ngày). Thêm nữa, khu công viên cảng Bạch Đằng đóng cửa từ tháng 3-2015 để giao cho Saigontourist khai thác, nhiều đơn vị mất khách, dời bến, bán bớt tàu. Đến nay, việc mới giao lại cho UBND quận 1 quản lý, làm cho việc phát triển du lịch đường thủy bị ngưng trệ một thời gian, phải bắt đầu chạy đà trở lại. Một tuyến khác là tuyến đường thủy trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã xây dựng bến tàu ở Cầu Mống nhưng chưa đưa vào khai thác thường xuyên, điểm đến cuối cùng là chùa Long Hoa lại ở khu vực thượng nguồn. Nước nơi đây cạn do chế độ thủy triều, đồng thời cũng bị hôi thối do nước thải chưa qua xử lý ở dọc bờ kênh xả thẳng ra.
Lãnh đạo một công ty du lịch phân tích, hiện nay cả Nhà nước và doanh nghiệp đều rơi vào cái vòng luẩn quẩn của đầu tư du lịch, đó là rót vốn nhưng chưa chắc thu lời. Thế nhưng, nếu không đầu tư, tạo ra sản phẩm độc đáo cho TP thì không có khách đến. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm tốt như À ố show, The V show, tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè… chỉ cầm cự hoặc phát triển trong khuôn khổ hạn chế. Bài toán này cần giải một cách đồng bộ, có tầm nhìn, có đột phá, có giai đoạn chứ không phải cứ có sản phẩm tốt là có khách.
“Có lẽ thành phố không đủ kinh phí và sự quy hoạch đồng bộ, nên dù đã xem sản phẩm du lịch đường sông là chiến lược mới tạo dựng nét văn hóa cho cộng đồng và phát triển nhưng du lịch vẫn ế ẩm. Theo tôi, nếu được, TP nên xây dựng dự án chợ nổi ba miền trên giao điểm sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc để tái hiện một khu làng theo mô hình sông nước ba miền. Có nét văn hóa vùng sơn cước, miền Trung nắng cháy và sự duyên dáng miền Nam. Từ đó, ta có thể tổ chức các hội chợ giao lưu cùng các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… ngay tại khu vực này. Hy vọng TPHCM có một địa chỉ văn hóa mang tầm quốc tế để công chúng vui chơi, giao lưu với các quốc gia qua hình ảnh du lịch trên dòng sông này”, bà Dương Thị Thu Thủy đề xuất.
| |
THI HỒNG