TPHCM hiện có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, tiến độ cải tạo, tháo dỡ, xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chỉnh trang đô thị của TP cũng như nhu cầu, nguyện vọng của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này.
Hoang mang chung cư cũ
Trong số hàng trăm chung cư có tuổi thọ trên 50 năm và đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể nói chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) tiêu biểu cho sự xuống cấp. Men theo lối cầu thang chính dẫn lên chung cư, nhiều căn phòng bỏ trống, các cánh cửa ra vào, cửa sổ mục nát, xiêu vẹo, tường rêu loang lổ, rác rưởi ngổn ngang, mùi hôi nồng nặc bốc lên, khiến người dù có “thần kinh thép” cũng phải rùng mình ớn lạnh. Theo bảo vệ của chung cư 727 Trần Hưng Đạo, hiện còn 10 hộ dân sinh sống ở đây.
Tương tự, ghi nhận của chúng tôi tại chung cư Cô Giang (quận 1) cũng cho thấy, hiện có nhiều mảng tường ở đây đã bong tróc, lộ thép ra ngoài. Những vết nứt dài ngoằng chạy thẳng trên nền gạch, vữa bong tróc thành từng mảng. Một người dân sống ở lô A bức xúc, chung cư này đã bị hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Người dân sống trong chung cư trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) cũng đang lo ngay ngáy với cảnh chung cư bị xuống cấp. Ghi nhận cho thấy nhiều lô trong chung cư này đã xuất hiện nhiều vết nứt trên các bức tường, nhiều hộ dân phải dùng hồ để trám vào những vết nứt này; nhiều bức tường cũng đã mọc rêu đen xì, đó là chưa kể hệ thống dây điện chằng chịt có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào.
Các khu chung cư Võ Văn Tần (quận 3), Thanh Đa (quận Bình Thạnh); cụm chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) cũng đang trong tình trạng tương tự. Sự xuống cấp trầm trọng của các chung cư cũ đồng nghĩa với việc tính mạng mấy chục ngàn con người đang ngày đêm luôn bị đe dọa.
Chỉ thực hiện tái định cư, không bồi thường
Nhiều chung cư được các cơ quan chức năng kiểm định với kết quả cho thấy ở mức báo động nguy hiểm, nhưng vẫn còn không ít trường hợp người dân không chịu di dời. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít chung cư đã được đền bù rất nhiều năm, có chung cư kéo dài trên chục năm, vẫn chưa thể giải tỏa để tiến hành xây dựng mới, ngay cả khi TP và địa phương đã có các phương án và giải quyết vướng mắc cho từng hộ dân nhưng họ vẫn “bám trụ”. Cụ thể, tại chung cư Cô Giang, quận 1, hộ bà Trịnh Thị Kiều Loan (căn hộ 423 lô A) đề nghị được mua căn hộ đang ở theo NĐ 61/CP và yêu cầu được cấp giấy chủ quyền, mới di dời. Hộ bà Huỳnh Thị Kim Khuyên (căn hộ 103 tầng 1 lô C) đề nghị được tách 2 chủ quyền cho 2 hộ riêng biệt đối với căn nguyên, vì thực tế đang có 2 hộ sử dụng chung 1 căn hộ để hưởng chế độ đền bù và tái định cư…
Chung cư Cô Giang, quận 1 hiện còn nhiều hộ chưa di dời mặc dù chung cư này có nguy cơ sập đổ cao (Ảnh: HUY ANH)
UBND quận 1 cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như giải quyết hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền lợi người dân, UBND TP đã chấp thuận đề nghị trên. Riêng trường hợp của bà Loan, TP chỉ đồng ý giải quyết bán nhà sở hữu nhà nước đối với căn hộ mới được tái định cư, chứ không bán hóa giá căn hộ cũ. Thế nhưng, 2 hộ này vẫn chưa đồng ý di dời. Chung cư Cô Giang đã được tiến hành bồi thường từ 5 năm về trước. Để thực hiện đúng kế hoạch di dời và bố trí tạm cư, tái định cư dứt điểm cho các hộ dân tại lô D chung cư Cô Giang vào cuối tháng 6-2015, UBND TPHCM đã đồng ý điều chuyển 40 căn hộ chung cư tại quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh để phục vụ công tác di dời. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 31 hộ dân tại lô D chung cư Cô Giang vẫn chưa chịu di dời.
Tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 còn khoảng 10 hộ dân, đa số là không đủ điều kiện bồi thường do không có giấy tờ nhà hợp pháp. Mặc dù UBND quận 5 đã giải quyết cho những hộ này được mua căn hộ ở chung cư tại Bình Trị Đông B, quận 6 với giá 80% so với thị trường, được trả góp trong 10 năm với lãi suất 6%/năm, nhưng đến nay các hộ vẫn chưa chấp nhận di dời…
Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Sở Xây dựng nhìn nhận, tiến độ di dời và xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn TP hiện nay chỉ mới thực hiện được khoảng 60% so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015, với khoảng 271.000m²/445.000m² sàn chung cư cũ, hư hỏng được tháo dỡ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có lý do còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến cơ chế chính sách, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa 3 bên là Nhà nước, người dân và chủ đầu tư.
“Nguyên tắc thì nhà hư phải sửa chữa hoặc xây dựng mới. Hiện nay người dân sống tại chung cư không phải bỏ tiền sửa chữa, xây mới, mà được Nhà nước lo thì không có lý do gì mà không chấp hành. Nhất là các hộ dân đang cố ý không hợp tác trong khi đó hàng ngàn hộ dân khác đã di dời. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần bổ sung nguyên tắc trong trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm phải phá dỡ, xây dựng mới, thì các hộ gia đình đang cư ngụ tại chung cư phải có nghĩa vụ chấp hành thực hiện di dời, hoặc quyết định cưỡng chế di dời để phá dỡ chung cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không đồng tình về chính sách đền bù có thể khiếu nại để được giải quyết sau”, đại diện Sở Xây dựng đề nghị.
Theo Sở Xây dựng, giải pháp tốt nhất đối với những chung cư hư hỏng nặng, phải di dời cấp bách, chỉ nên thực hiện chính sách tái định cư tại chỗ, chứ không áp dụng chính sách đền bù vì thời gian thỏa thuận đền bù rất lâu, kéo dài thời gian di dời như các trường hợp trên. Đại diện sở cũng kiến nghị, trong quá trình chờ tái định cư tại chỗ, nhà đầu tư phải chuẩn bị quỹ nhà tạm cư cho các hộ dân, nơi tạm cư phải gần nơi ở cũ hoặc trả tiền cho các hộ dân tự tìm nơi tạm cư theo hướng thuận tiện nhất. Ngoài ra, trong quá trình chờ tái định cư mà người dân có nhu cầu bán suất tái định cư (căn hộ được xây dựng mới hình thành trong tương lai - PV) ra thị trường thì được bán theo đúng luật, để có thể mua nơi ở mới phù hợp, nhanh chóng an cư trong trường hợp họ không muốn tái định cư tại chỗ.
MINH HUY - MINH HẢI
|