Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 20-2, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Riêng tại địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2014 tại TPHCM tăng 1% so với cuối năm 2013. Theo ông Minh, điều này hợp với quy luật của những năm gần đây vì 2 tháng đầu năm vẫn còn rơi vào tháng Giêng âm lịch, các DN vẫn chưa có nhu cầu vay vốn để sản xuất nên tín dụng luôn giảm hoặc tăng rất chậm.
Tiền ngân hàng “chảy” vào trái phiếu
Sau hàng loạt động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng từ 0,3% - 0,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn từ đầu năm đến nay, lãi suất các chương trình cho vay của các ngân hàng hiện cũng đã “mềm” hơn. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn ảm đạm. Các ngân hàng cho biết lượng tiền huy động trong 2 tháng đầu năm đã quay trở lại ngân hàng nhưng vẫn chưa có đầu ra.
Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, mức lãi suất cho vay của Sacombank hiện cũng đã giảm khoảng 1% so với năm 2013, tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank chỉ tăng khoảng 1% so với cuối năm 2013, trong khi đó huy động của ngân hàng Sacombank tăng 6%.
“Tháng đầu năm, các DN cũng chưa khởi động vay nhiều vì vẫn còn dư âm tết. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng 2 cũng đã khả quan hơn vì các DN cũng đã bắt đầu tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng”, ông Khang lý giải. Ông Khang cho rằng, khoảng vào quý 2, khi DN có kế hoạch kinh doanh cụ thể thì nhu cầu vốn mạnh sẽ trở lại.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm của ngân hàng này cũng rất ì ạch. Tính đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nam Á tăng khoảng 6% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, với quy mô của một ngân hàng nhỏ thì số tiền cho vay vẫn không đáng kể. “Từ tháng 3, các khách hàng là DN và cá nhân đã bắt đầu vay trở lại”, ông Tâm nói.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, mặc dù tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM trong tháng 2 đã khá hơn so với tháng 1 (tăng trưởng tín dụng tháng 1 giảm 0,41% so với cuối năm 2013) nhưng vẫn còn rất chậm. Ông Minh khẳng định hiện nay lãi suất không phải là trở ngại của DN vì mặt bằng lãi suất cho vay đã ổn định và thấp hơn thời điểm 2006 - 2007. Hiện các DN vẫn đang trong tình trạng nghỉ ngơi nên chưa có nhu cầu vay vốn.
Tuy vậy, theo ông Minh, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm còn thấp cũng có lý do một số DN vẫn còn ngại vay vốn, ngân hàng đang xử lý nợ xấu và nợ phát sinh nên vẫn chưa mạnh dạn cho vay.
Thanh khoản dồi dào, lượng tiền huy động vẫn tiếp tục quay trở lại ngân hàng nhưng các ngân hàng vẫn chưa thể đẩy mạnh cho vay nên không ít ngân hàng cho biết đã đổ lượng tiền dư vào đầu tư trái phiếu Chính phủ. Điều đó giúp lượng trái phiếu Chính phủ bán ra thời gian qua tăng mạnh.
Cụ thể, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2014, gần 47.000 tỷ đồng tiền đầu tư đổ vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Khối lượng này vượt 63% so với cùng kỳ năm 2013.
Tiếp tục giảm lãi suất
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TPHCM vào cuối tháng 2-2014, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP trong năm nay cao hơn năm ngoái, ở mức 12-14%. Do đó, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh TPHCM chỉ đạo các ngân hàng tăng tốc ngay trong những tháng đầu năm mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao.
“Để đạt được mức tăng trưởng này, ngành ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa trong việc kết nối cung- cầu vốn”, Thống đốc nhấn mạnh. Việc chủ động này theo Thống đốc là các ngân hàng có thể chủ động xem xét giảm lãi suất cho vay hơn nữa để nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn nhằm sớm triển khai mở rộng sản xuất - kinh doanh. Theo Thống đốc, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã hợp lý, đặc biệt là lãi suất các chương trình hỗ trợ DN trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng đã đề nghị các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 7% - 8%/năm và cho vay trung, dài hạn xung quanh mức 10%/năm. Riêng lãi suất cho vay Chương trình bình ổn thị trường của TP, các ngân hàng có thể giảm từ 6%/năm xuống còn 5%/năm từ nay đến cuối năm.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, NHNN chi nhánh TPHCM đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tích cực cho vay sớm ngay trong quý 1, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay trong Chương trình kết nối Ngân hàng - DN của TP. “Hiện NHNN chi nhánh TPHCM cũng đang kêu gọi mọi ngân hàng trên địa bàn tham gia vào chương trình này để kịp thời đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh và vào nền kinh tế”, ông Minh cho biết.
Về phía các NHTM, một số ngân hàng cũng đã có những kế hoạch cụ thể để cải thiện tăng trưởng dụng. Ông Phan Huy Khang cho biết, Sacombank đã có kế hoạch tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng DN và cá nhân, đặc biệt chú trọng tới các DN vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh, tiểu thương… Theo đó, Sacombank sẽ triển khai nguồn vốn ưu đãi lên đến 1.500 tỷ đồng nhằm hưởng ứng chương trình bình ổn thị trường trong năm 2014 của UBND TPHCM.
“Bên cạnh tham gia tài trợ DN tham gia bình ổn thị trường với lãi suất ngắn hạn 6%/năm và lãi suất trung hạn 10%/năm, trong năm nay Sacombank còn dành nguồn vốn ưu đãi cho các đơn vị trên toàn quốc là nhà cung ứng của DN bình ổn với lãi suất từ 7-8%/năm. Đây là nguồn vốn sẽ góp phần đảm bảo hàng hóa được lưu thông xuyên suốt từ nhà sản xuất đến DN thương mại với giá thành thấp và ổn định, hỗ trợ người tiêu dùng cả nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế”, ông Khang nói.
HẠNH NHUNG