(SGGPO).- Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15 và 16-11, các chuyên gia bệnh tiểu đường kiến nghị các nhà lãnh đạo thế giới đánh thuế với đường để chống béo phì và bệnh tiểu đường, giúp cứu sống nhiều sinh mạng và giảm ngân sách y tế.
Trong kiến nghị hôm nay, Liên đoàn Bệnh tiểu đường Quốc tế (IDF), tổ chức của hơn 230 hiệp hội quốc gia, mong muốn dịch bệnh kép béo phì và tiểu đường được đưa vào chương trình nghị sự toàn cầu của G20 ngang các vấn đề quan trọng về địa chính trị và tài chính.
Với 1 ca tử vong mỗi 6 giây, tiểu đường hiện là một kẻ giết người nhiều hơn cả HIV, bệnh lao và sốt rét cộng lại. IDF ước tính phần lớn các nước phải chi từ 5-20% ngân sách y tế cho căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường type 2, liên kết chặt với béo phì và lối sống ít vận động, chiếm khoảng 90% số ca và đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi người dân đang chuyển sang chế độ ăn uống kiểu phương Tây. Trung Quốc là nơi có số bệnh nhân tiểu đường đông nhất thế giới.
Tiêu thụ nhiều đường gây béo phì và bệnh tiểu đường. Ảnh: NY Daily News
Giám đốc điều hành IDF Petra Wilson cho biết, tiểu đường gây nguy cơ không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả các nền kinh tế. Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hợp tác trong cuộc chiến chống béo phì theo cách như đã hợp tác trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dự báo vào năm 2040, cứ mỗi 10 người lớn trên hành tinh có 1 người bị tiểu đường, với 642 triệu ca và chi phí y tế cho bệnh tiểu đường tăng lên đến 802 tỷ USD, so với 415 triệu ca và chi phí y tế 673 tỷ USD trong năm 2015.
Một số quốc gia, trong đó có Mexico, Chile và Pháp, đã thử nghiệm đánh thuế đường dưới các hình thức khác nhau nhưng gặp những trở ngại chính trị đáng kể, cũng như sự phản kháng của ngành công nghiệp thực phẩm.
Giám đốc điều hành IDF thừa nhận còn nhiều rào cản nhưng cho rằng các nhà lãnh đạo phải bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách học những bài học từ thuốc lá. "Việc áp thuế cao với thuốc lá và không ngừng phổ biến mối nguy hại của thuốc lá với sức khỏe đã mang lại hiệu quả rất tốt. Bây giờ là thời điểm chúng ta thông qua một cách tiếp cận tương tự với đường. Tất nhiên, với đường thì khó khăn hơn vì mọi người có thể sống hoàn toàn không có thuốc lá, không thể sống hoàn toàn không có đường. Nhưng mọi người có thể sống mà không bổ sung đường", bà Wilson nói với Reuters.
GIA HY