Ngày 14/4/2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới chính thức thông báo nâng hạn mức tín dụng cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lên mức 30 triệu USD. Việc IFC quyết định tăng hạn mức cho TPBank từ 10 triệu USD lên 30 triệu USD chỉ sau chưa đầy 5 tháng chứng tỏ mức độ tín nhiệm cao của IFC dành cho TPBank về hoạt động kinh doanh hiệu quả của ngân hàng này.
IFC là một tổ chức tài chính quốc tế khá khắt khe trong khâu đánh giá và lựa chọn đối tác. Việc gia tăng hạn mức cho TPBank ngay đầu năm 2016 được dựa trên những đánh giá tích cực của tổ chức này về hoạt động tài trợ thương mại của TPBank từ nguồn vốn Tài trợ thương mại toàn cầu (Global Trade Finance Program – GTFP) do IFC cấp trong thời gian ngắn vừa qua.
Trong năm 2015, TPBank đã trở thành một ngân hàng quy mô tầm trung với tổng tài sản đạt trên 76,2 ngàn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 2014, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt, lên tới 40%, trong khi vẫn duy trì được chất lượng tín dụng tốt với nợ xấu ở mức 0,66%. Đặc biệt trong năm 2015, TPBank là một điểm sáng về hoạt động ngân hàng hiệu quả, lành mạnh, ổn định với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Cũng trong năm qua, TPBank đã đưa ra được nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất ưu đãi và tài trợ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, được đánh giá tích cực và khá cạnh tranh với thị trường.
IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Định chế này đã hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình. Trong năm tài chính 2015, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Theo TPBank, việc mở rộng hạn mức này sẽ giúp TPBank tăng cường hơn nữa năng lực tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đồng thời là tạo thêm vị thế thuận lợi cho TPBank khi thực hiện các giao dịch quốc tế cũng như thiết lập quan hệ với một loạt các ngân hàng đại lý trên toàn cầu. Mục tiêu kinh doanh năm 2016 của TPBank là tổng tài tăng 20% lên 91,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 11% lên mức 695 tỷ đồng, số lượng khách hàng tăng lên 1.500.000 khách hàng…. Được biết, mặc dù các mục tiêu đặt ra khá thách thức nhưng lãnh đạo ngân hàng này khẳng định hoàn toàn có tính khả thi, giúp ngân hàng tự tin lọt vào danh sách các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam vào những năm tới.
TPBank: Thành lập từ ngày 05/05/2008, TPBank được kế thừa những thế mạnh về công nghệ hiện đại, kinh nghiệm thị trường cùng tiềm lực tài chính của các cổ đông chiến lược bao gồm:Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn Công nghệ FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) và Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holding Pte. Ltd.,Singapore. Năm 2015, CBNV, TPBank đã có có một năm hoạt động kinh doanh hiệu quả và vươn lên quy mô tầm trung với tổng tài sản đạt trên 76,2 ngàn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 2014, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt trong khi vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng với nợ xấu ở mức 0.40%, thấp nhất trong toàn ngành. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng hoạt động hiệu quả, vượt kế hoạch lợi nhuận với mức 626 tỷ đồng, ROE đạt trên 12.31%. Đặc biệt trong năm 2015, TPBank trở thành điểm sáng hoạt động ngân hàng hiệu quả, lành mạnh, ổn định với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Vai trò tiên phong của TPBank trong định hướng phát triển ngân hàng số (Digital Banking), cũng được xem là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các ngân hàng hiện đại trên thế giới. |
T.P