Tại cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington DC (Mỹ) từ 18 đến 22-4, IMF đã công bố chính sách mới nhằm giải quyết một cách có hệ thống vấn đề tham nhũng cũng như các tác động của vấn nạn này đối với tăng trưởng kinh tế ở tất cả 189 nước thành viên.
Tập trung vào quản trị
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị mùa xuân IMF ở Washington DC (Mỹ), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nêu rõ chính sách mới của IMF sẽ chặt chẽ hơn, đồng thời cũng tập trung giải quyết thực trạng các nước giàu đang góp phần vào “bức tranh” tham nhũng ở các nước đang phát triển bằng việc không ngăn chặn hiệu quả nạn tham nhũng, rửa tiền hoặc cho phép sở hữu công ty ẩn danh.
Chính sách chống tham nhũng mới của IMF dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, theo đó sẽ chú trọng cách thức quản trị được đề cập trong các đánh giá kinh tế thường niên của các nước thành viên. IMF cũng sẽ dựa trên những phát hiện của các nhà hoạt động minh bạch bên ngoài để xác định các dòng tài chính bất hợp pháp đến và đi từ các nước nghèo. Mặc dù vậy, IMF sẽ không điều tra các trường hợp tham nhũng cụ thể, mà thay vào đó tập trung vào sức mạnh của các thể chế kinh tế chủ chốt như: quản lý tài chính và ngân hàng trung ương, quy định thị trường, quy định pháp luật, các chính sách liên quan rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Các khuôn khổ chính sách mới của IMF được kỳ vọng sẽ giữ tất cả các nước thành viên phát triển theo cùng tiêu chuẩn - điều mà tổ chức này thừa nhận rằng trước đây “không phải lúc nào cũng được thực hiện”.
Theo bà Lagarde, “tham nhũng đang gây tổn hại cho người nghèo, cản trở cơ hội kinh tế và sự luân chuyển trong xã hội, gây xói mòn niềm tin vào các tổ chức”, do đó IMF sẽ “áp dụng một khuôn khổ để tăng cường cam kết về quản trị nhà nước và giám sát tham nhũng, nhằm tạo lập sự tham gia có hệ thống, công bằng, hiệu quả và thẳng thắn với các nước thành viên”.
Tạo khuôn khổ chống tham nhũng
Thành phố London, Anh sẽ là điểm nhấn trong chiến dịch chống tham nhũng của IMF trong việc điều tra liệu các nước giàu có đang hành động đủ mạnh để chống hối lộ và rửa tiền hay không. Ngoài ra, tất cả các thành viên của nhóm 7 quốc gia công nghiệp (G7) - Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Italia và Canada cùng với Áo và Cộng hòa Czech sẽ được IMF xem xét xem liệu hệ thống pháp lý của họ có đủ mạnh để ngăn chặn tội hối lộ và có cơ chế đúng đắn để ngăn chặn rửa tiền bẩn hay không.
Theo bà Christine Lagarde: “Để thực sự chống tham nhũng, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề “tạo điều kiện” cho các hành vi tham nhũng. Để làm điều này, chúng tôi khuyến khích các nước thành viên có khung pháp lý và thể chế để phát hiện và truy tố hối lộ nước ngoài cũng như có cơ chế ngăn chặn rửa tiền và che giấu tiền bẩn”.
Bà Lagarde hoan nghênh sự sẵn sàng của G7 cùng với Áo và Cộng hòa Czech cho phép IMF kiểm tra chính sách chống tham nhũng, xem đó là cách củng cố niềm tin vào khuôn khổ mới chống tham nhũng. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng không thể khẳng định không có tiền bất hợp pháp chảy qua hệ thống tài chính của Anh, nhưng chính phủ đang làm việc hết mình để giảm và loại bỏ các dòng tiền bất hợp pháp. Bà Lagarde cho biết có bằng chứng thực nghiệm cho thấy mức độ tham nhũng cao liên quan đến tăng trưởng, đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh thu thuế thấp hơn đáng kể.
IMF đã có hướng dẫn để đối phó với tham nhũng từ năm 1997 nhưng theo Tổng Giám đốc IMF, cần có một chính sách cập nhật nhằm “đưa các nước thành viên tham gia chống tham nhũng có hệ thống, hiệu quả hơn”.