Ngày 16-8, trong bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của Indonesia (17-8), Tổng thống Joko Widodo tuyên bố nước này tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Tuyên bố của lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh “sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ trên đất liền và trên biển” sau các vụ chạm trán với tàu Trung Quốc quanh các quần đảo của Indonesia ở biển Đông.
Tổng thống Widodo tuyên bố bảo vệ từng tấc lãnh thổ của Indonesia
Ưu tiên thương lượng hòa bình
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào giải quyết xung đột ở biển Đông thông qua các giải pháp hòa bình. Hãng tin Channel News Asia dẫn tuyên bố của ông: “Chúng tôi đang phát triển các khu vực như Entikong, Natuna và Atambua để thế giới thấy được rằng Indonesia là một nước lớn và mỗi tấc đất trên đất liền và trên biển thật sự đều phải được chăm sóc”. Bài phát biểu của ông Widodo cũng đề cập trực tiếp đến phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan) ngày 12-7, khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Ông Widodo một lần nữa khẳng định chủ quyền của quần đảo Natuna và các vùng biển giàu tài nguyên xung quanh vào thời điểm căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh đang leo thang sau những vụ đụng độ giữa tàu tuần tra và hải quân Indonesia với các tàu đánh cá và lực lượng tuần duyên của Trung Quốc trong thời gian gần đây tại những khu vực này. Mặc dù trước đó, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ không thách thức chủ quyền của Indonesia tại biển Đông, nhưng theo giới quan sát, các vụ đụng độ gần đây dấy lên những lo ngại sớm muộn Trung Quốc có thể mở rộng tuyên bố chủ quyền phi lý với cả quần đảo Natuna.
Hồi đầu tháng này, trong cuộc họp tham vấn thường niên tại Indonesia, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Widodo cũng đã khẳng định “không để biển Đông trở thành lãnh địa của siêu cường”. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ dùng luật biển quốc tế đối với tranh chấp ở biển Đông; tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước này đã được Tòa Trọng tài dựa vào để ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông.
Chuẩn bị các biện pháp cứng rắn
Trong một động thái chứng tỏ sự tăng cường bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển ở biển Đông, ngày 15-8, Indonesia đã đánh chìm ít nhất 8 tàu cá nước ngoài, được biết đều là của Philippines, tại khu vực biển ngoài khơi hai tỉnh Bắc Maluku và Bắc Sulawesi. Việc đánh chìm các tàu cá nước ngoài này nằm trong chiến dịch ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép ở khu vực biển Indonesia nhân dịp Quốc khánh lần thứ 71 của nước này.
Trước đó vào tháng 6, Tổng thống Widodo cũng đã tổ chức cuộc họp nội các trên tàu chiến KRI Imam Bonjol khi tàu này đang tuần tra quanh quần đảo Natuna. Sau đó, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Pujiastuti tuyên bố sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày Độc lập Indonesia tại Natuna để chứng kiến việc đánh chìm các tàu cá, đồng thời tuyên bố chỉ có người Indonesia mới có thể đánh cá tại vùng biển Indonesia.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực biển Đông. Mặc dù Indonesia chưa có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng chính phủ nước này mới đây thông báo kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới để bảo vệ các khu vực gần biển Đông. Quốc hội Indonesia cũng thông qua tăng ngân sách quốc phòng lên 8,25 tỷ USD trong năm nay, tăng gần 10% so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, Indonesia tập trung xây dựng đường băng, triển khai các tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác tại các hải đảo xa xôi.
Tình hình biển Hoa Đông cũng nghiêm trọng như ở biển Đông Ngày 16-8, trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, số lượng các tàu Trung Quốc hiện được triển khai tới khu vực xung quanh vùng biển đang tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông lớn hơn rất nhiều so với số lượng tàu của Bắc Kinh ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Nhật Bản ngày càng lo ngại trước những hành động trên biển của Bắc Kinh. Đầu tháng này, có tới 15 tàu của Chính phủ Trung Quốc cùng lúc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản xung quanh Senkaku. Cùng thời điểm đó, khoảng 200 - 300 tàu cá hoạt động ở vùng tiếp giáp ngoài khơi quần đảo này. Chính phủ Nhật Bản đã trao 30 công hàm phản đối cho Trung Quốc từ ngày 5 đến 10-8, trong thời gian xảy ra liên tiếp các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc. |
HẠNH CHI (tổng hợp)