Sau khi kêu gọi đầu tư theo kiểu truyền thống bị thất bại, Công ty Insider 21 đã chuyển sang kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp. Với “lá bài” lợi nhuận cao, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 10.000 thành viên tham gia từ 14 nước, riêng Việt Nam mới hơn 6 tháng đã có khoảng 500 thành viên. Tuy nhiên, phía sau lợi nhuận tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những thủ thuật “hút” tiền
Insider 21 là công ty được hình thành từ Mỹ, kết hợp 3 mô hình: giáo dục đào tạo; đầu tư; xây dựng hệ thống mạng. “Giáo dục đào tạo” là mời các diễn giả nổi tiếng trên thế giới về diễn thuyết. Các thành viên của công ty có thể được tặng hoặc được mua vé giảm giá cao với số lượng lớn, sau đó có thể bán lại và hưởng khoản tiền chênh lệch. Xây dựng hệ thống mạng có nghĩa là công ty sẽ thành lập một công ty bán hàng đa cấp, có sơ đồ trả thưởng, có sản phẩm và có danh hiệu. Riêng tại Việt Nam chiến lược đầu tư hay còn gọi là huy động vốn được chú trọng nhất. Trong lĩnh vực đầu tư, có 6 loại dự án được quảng bá rầm rộ: khai thác dầu khí; khai thác mỏ vàng MSD Gold ở Canada; thời trang vip; chương trình định cư tại Mỹ; đầu tư vào các dự án làm phim ở Hollywood và đầu tư bất động sản tại Mỹ.
L.M.Q.H. được xem là người đầu tiên mang chương trình này về nước, sau đó giới thiệu cho bạn bè và người thân cùng tham gia làm thành viên.
Khi là thành viên thì được quyền tuyển người vào hệ thống, hệ thống này xây dựng theo mô hình nhị phân, chỉ có 2 nhánh. Khi tuyển người, các thành viên sẽ được các quyền lợi: được hưởng 20% doanh số nhánh yếu một lần; được hưởng 2,5% tiền hoàn phí mỗi tháng, hưởng trong 24 tháng (ví dụ khi tuyển vào hai người đầu tư gói 1.000USD thì ngay lập tức được hưởng 20% tương đương 200USD, đồng thời được hưởng mỗi người 25USD/tháng, trong vòng 24 tháng). Chính vì sơ đồ trả thưởng hấp dẫn như vậy nên chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút khá đông người tham gia.
Điểm mấu chốt của sơ đồ trả thưởng chính là “vét” tối đa nguồn vốn của thành viên, điều đó thể hiện qua quy định: “Khi đầu tư 1 mà thu lại được 3 lần thì một số quyền lợi sẽ bị cắt”, do đó muốn được hưởng tiếp những quyền lợi, bắt buộc thành viên phải nâng cấp gói đầu tư lên gói lớn hơn. Như vậy, cho dù ban đầu người tham gia với gói 1.000USD, nhưng sau một thời gian tuyển dụng, số tiền bỏ ra đầu tư sẽ liên tục tăng lên, cứ như vậy thành viên sẽ luôn trong tình trạng phải nâng cấp gói đầu tư. Và hiện tại ở Việt Nam có người đã đầu tư gói 50.000USD.
Trong thời gian mới thành lập, với mục đích làm tăng nhanh số lượng thành viên, Insider 21 đã đưa chiến lược thu hút thành viên bằng những ưu đãi khủng và số tiền hoàn phí lớn. Sau ngày 10-3, Insider 21 lại đưa ra một chiến lược mới bằng cách kêu gọi thành viên đầu tư vào mỏ vàng MSD Gold ở Canada, đồng thời thay đổi mô hình trả thưởng, là giảm, hoặc không còn mức hoàn phí, nhưng lại tăng hoa hồng doanh số đội nhóm để kích cầu tuyển dụng. Theo đó, khi thành viên đầu tư gói 1.000USD sẽ không có mức hoàn phí trong tháng, do vậy thành viên muốn lấy lại số vốn đã đầu tư một cách nhanh nhất thì bắt buộc phải tuyển dụng người vào hệ thống để hưởng hoa hồng. Còn nếu không tuyển dụng thì chờ sau 12 tháng để xem số trái phiếu “được tặng” sẽ có kết quả (sau 12 tháng từ khi đăng ký thì thành viên mới có quyền bán trái phiếu). Khi số lượng thành viên ban đầu đã ổn định, đồng nghĩa với việc những thành viên này liên tục nâng cấp gói đầu tư để hưởng quyền lợi, do vậy, bắt buộc phải tuyển dụng để hoàn vốn trước khi chờ kết quả của trái phiếu. Và vòng tròn này sẽ cứ lặp đi, lặp lại. Với kiểu làm ăn này, Insider 21 không phải lo lắng về nguồn vốn, nhờ mô hình trả thưởng đã tự động huy động nguồn vốn.
Khi ở giai đoạn trước ngày 10-3, công ty đã đưa ra những ưu đãi “khủng” để thu hút đầu tư, và chuyện tặng trái phiếu chỉ kèm theo. Nhưng đến sau ngày 10-3, sự thật mới bộc lộ, khi người đầu tư gói 1.000USD chỉ nhận lại được duy nhất là trái phiếu. Vậy vấn đề đổi ngoại tệ lấy trái phiếu chỉ khác nhau giữa từ “bán” và từ “tặng”. Do đó chỉ cần thay từ ngữ là có thể lách được luật.
Thiếu rõ ràng, nhiều rủi ro
Trong thời gian qua, một số người đã lấy lại số tiền bỏ ra làm thành viên thông qua việc tuyển người, nhưng lại rất mơ hồ về số tiền họ bỏ ra để đầu tư vào dự án. Anh H. ở Đồng Nai cho biết: “Sau khi nghe người bạn chia sẻ tại quán cà phê, uống chưa hết nửa ly cà phê là tôi đồng ý tham gia liền”.
Trong số những người đến để tìm hiểu về cơ hội Insider 21, nhiều người đã lắc đầu khi thấy rủi ro quá lớn. Anh Đ.Q. nhận định: “Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có văn phòng chính thức, đồng nghĩa với việc công ty này chưa được có mặt hợp pháp tại đây, chưa được ký quỹ để bảo vệ rủi ro cho những thành viên. Nếu tôi đầu tư vào công ty này, lỡ bên Mỹ họ gom tiền bỏ chạy sang một quốc gia khác thì tôi đành trắng tay”.
Còn anh Q.K. phân tích: “Trong buổi chia sẻ vừa rồi, ông D. là một trong những thành viên đầu tiên trong nhánh ở Việt Nam cho biết, hiện tại ở bên Mỹ vẫn chưa có văn phòng chính thức, dự định tới quý 3-2014 mới có. Lý do chưa được cấp phép là vì loại hình công ty này quá mới, gom vào quá nhiều hình thức kinh doanh. Tôi không thể thấy lợi nhuận mà nhắm mắt với quá nhiều rủi ro. Với lại, hiện tại tôi thấy những thành viên trong câu lạc bộ này có thu nhập không phải từ đầu tư, mà có tiền từ cách móc túi những người thân mà mình mời vào tham gia”.
Dư luận cho rằng, cách huy động USD của Insider 21 thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ.
| |
ĐĂNG QUANG