7 giờ sáng ngày 7-3 (giờ địa phương), hơn 10.000 điểm bầu cử tại 18 tỉnh thành Iraq đã bắt đầu mở cửa để hàng triệu người dân đến bỏ phiếu bầu 325 nghị sĩ tại Quốc hội. Ước tính, số người tham gia bỏ phiếu có thể lên tới 19 triệu người.
Đây là vòng bầu cử thứ 2 sau năm 2005, khi Mỹ tiến hành lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Saddam Hussein, được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng cho tiến bộ chính trị ở Iraq, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực cải thiện tình hình an ninh và chuẩn bị cho kế hoạch Mỹ rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, cũng có những mối lo ngại cho rằng, cuộc bầu cử sẽ dẫn đến một giai đoạn bất ổn kéo dài, khi những người thắng cử và những nhân vật thất cử “chiến đấu” với nhau để thành lập một chính phủ mới.
Trước đó, vào ngày 5-3, hơn 1 triệu người Iraq sống ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Syria và Jordan đã bắt đầu đi bỏ phiếu, sớm hơn hai ngày so với ngày bầu cử chính thức trong nước.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực đảm bảo an ninh của chính phủ khi điều động hơn 750.000 nhân viên an ninh bảo vệ các địa điểm bỏ phiếu, canh gác tại chốt kiểm soát, bạo lực vẫn diễn ra tại Iraq khiến hơn 150 người thương vong.
Hãng AFP đưa tin, hàng chục loạt đạn súng cối đã nã vào một số địa điểm tại khu vực thuộc Đông-Bắc Baghdad, trong đó có khu vực được canh gác nghiêm ngặt là Vùng Xanh. Đây là khu vực có trụ sở Đại sứ quán Mỹ và văn phòng của Thủ tướng Iraq. Vụ nổ đầu tiên tại khu vực Baghdad làm 4 người thiệt mạng, 8 người bị thương. Và một loạt các vụ nổ khác, bắn rốc két nhằm vào các khu vực bầu cử ở Baquba, Mansur, Ramadi… làm 32 người thiệt mạng, hơn 110 người bị thương.
Trước đó, vào ngày 4-3, ba vụ tấn công vào các địa điểm bỏ phiếu đã xảy ra giữa thủ đô Baghdad làm 17 người chết, 45 người bị thương. Những vụ tấn công mới nhất này đã đẩy cuộc bầu cử tại Iraq rơi vào tình trạng bất ổn, khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng đảm bảo an ninh của nước này khi quân Mỹ chuẩn bị rút về nước.
Dự đoán chiến thắng đang nghiêng về Liên minh Nhà nước pháp quyền của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki. Hiện nay ông al –Maliki phải đối mặt với một số đối thủ nặng ký khác là Iyad Allawi, cựu Thủ tướng Iraq, lãnh đạo Liên minh Người Iraq, Phó Tổng thống Iraq Mahdi, hiện đang lãnh đạo đảng Hội đồng Hồi giáo tối cao Iraq, Bộ trưởng Tài chính Jaber Solagh, cựu Phó Thủ tướng Ahmed Chalabi, Bộ trưởng Nội vụ Jawad al- Bolani.
T.Hằng