Iraq: Có tiền nhưng... khó xài

Iraq: Có tiền nhưng... khó xài

Ngân sách Chính phủ Iraq hiện thặng dư nhiều tỷ USD nhờ khoản thu từ dầu mỏ. Nghịch lý là nước này lại không biết chi số tiền này như thế nào, bởi bạo lực vẫn tiếp diễn, ngăn cản mọi giải pháp phát triển kinh tế.

Bất ổn nhưng tiền vẫn vào

Iraq: Có tiền nhưng... khó xài ảnh 1
Một đường ống dẫn dầu ở Iraq

Giá dầu tăng cao đã giúp Chính phủ Iraq hưởng lợi. Năm 2007, xuất khẩu vàng đen mang lại cho Iraq gần 40 tỷ USD. Dự kiến năm 2008, với giá dầu vẫn ở mức trên 100 USD/thùng, nguồn thu từ dầu (đem lại 80 % ngân sách) sẽ đến 70 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế Iraq, tình hình an ninh được cải thiện và nạn buôn lậu giảm đã giúp ngành dầu mỏ Iraq hồi phục. Từ tháng 8-2007, mục tiêu do Bộ Dầu mỏ Iraq đặt ra là sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày đã hoàn tất và đã vượt chỉ tiêu vào tháng 9 và tháng 10 với kỷ lục 2,5 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003.

Dưới sức ép của Mỹ, Bộ Dầu mỏ Iraq đã đặt lại đồng hồ đo vào các giếng dầu và các đường ống dẫn dầu. Những đồng hồ này từng biến mất khi các lực lượng nổi dậy có những cuộc tấn công đầu tiên vào mùa hè 2003. Khi đó, dầu bị buôn lậu đến 300.000 thùng/ngày. Nguồn tiền này được dùng tài trợ cho các lực lượng nổi dậy tấn công quân Mỹ và đồng minh. Hiện nguồn dầu thất thoát từ các đường ống đã giảm, chỉ còn nạn buôn lậu ở các điểm bán lẻ xăng dầu.

Đường ống dẫn dầu Kirkuk ở Bắc Iraq đến Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) hoạt động lại cho phép xuất khẩu khoảng 400.000 thùng dầu/ngày.

Cách nào xài tiền?

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khen Iraq vì “bất chấp những khó khăn chính trị, chính quyền Iraq vẫn đảm bảo thực hiện cam kết của mình”. Lạm phát đã được kéo xuống mức 20% (thay vì... 60%). Tăng trưởng GDP hiện đạt 6% và ngân hàng trung ương có 6-7 tháng tiền dự trữ cho nhập khẩu, cao hơn rất nhiều so với quốc gia láng giềng Jordan.

Trong tháng này, tại Kuwait diễn ra một hội nghị quốc tế mới về tài trợ cho Iraq. Trái với những gì Mỹ và Iraq đề nghị, nhiều nhân viên LHQ nhấn mạnh: “Iraq không cần thêm tiền nữa mà cần cộng đồng quốc tế giúp Iraq... xài được tiền của chính Iraq”. 

Trong lúc nguồn thu ngân sách ngày càng tăng, đời sống người dân lại ngày càng khó khăn. Từ 25%-50% số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Theo LHQ, hiện có 4 triệu người Iraq gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân. Khoảng 40% dân số không được tiếp cận nguồn nước sạch. Gần 3/4 số bác sĩ bỏ ra nước ngoài làm việc. Nhiều nơi không được cung cấp điện thường xuyên. Ngay ở thủ đô Baghdad, hiện người dân chỉ được phục vụ 4 tiếng có điện mỗi ngày.

Với các nhà lãnh đạo Iraq, nguồn thu từ dầu mỏ cũng khiến họ phải “trả giá” khi rất khó yêu cầu viện trợ quốc tế cho tái thiết đất nước. Các nhà tài trợ quốc tế lập luận, bây giờ Iraq đã có “đủ tiền cần thiết”, hơn nữa thực tế là Iraq “thực hiện rất kém” các dự án tái thiết, khởi động từ năm 2003 với tổng số tiền trên 20 tỷ USD. Từ 30%-40 % số dự án này đã không hoàn thành đúng tiến độ hoặc thực hiện không đúng cách.

Trong ngân sách chính phủ, hiện còn 6 tỷ USD đang chờ các dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực điện lực. Vì lý do an ninh, các công ty nước ngoài như Schneider phải thuê nhân công địa phương không có tay nghề làm việc, hậu quả là nhiều công trình bị chậm trễ....

HÀ VY (theo Le Figaro)

Tin cùng chuyên mục