Ngày 8-2, người dân Baghdad ăn mừng sự kiện lệnh giới nghiêm kéo dài 12 năm qua tại thủ đô được dỡ bỏ. Thủ tướng Iraq nhận định quyết định này là do tình hình an ninh tại Baghdad đã được cải thiện. Tuy nhiên, hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra vài giờ trước khi lệnh giới nghiêm được bãi bỏ và viễn cảnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tung hoành ở khu vực phía Tây và Bắc Iraq cho thấy đất nước này chưa thể bình yên.
Lời cảnh báo ở Baghdad
Iraq áp dụng một số lệnh giới nghiêm kể từ khi Mỹ can thiệp vào nước này để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 và điều này đã cản trở một số hoạt động thương mại cũng như dân sự. Người dân Iraq đều cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm giúp cải thiện các hoạt động hàng ngày của họ. Ngoài Baghdad, 4 khu vực lân cận cũng sẽ thành phi quân sự nhằm bình thường hóa tình hình ở thủ đô của Iraq.
Các quan chức Iraq tái khẳng định cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho thủ đô, bất chấp những vụ tấn công của các nhóm vũ trang người Sunni nhằm vào các khu vực có đông người Shiite sinh sống. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, hàng loạt các vụ đánh bom đẫm máu nhất xảy ra ở Baghdad làm 36 người chết và khoảng 100 người bị thương. Theo báo Guardian ngày 8-2, IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công thứ nhất khiến 22 người chết ở khu “Baghdad mới”. Việc IS từng tiến hành những vụ đánh bom liều chết tương tự tại Iraq và các vụ tấn công mới nhất được giới quan sát nhận định như lời cảnh báo “nguy hiểm ở thủ đô Baghdad vẫn còn ở phía trước”.
Thủ đô Baghdad vẫn chưa bình yên.
Miền Bắc không yên tĩnh
Trong khi đó, ngày 8-2, các cuộc không kích IS do liên quân quốc tế với Mỹ đứng đầu vẫn tiếp tục, nhằm vào các cứ điểm của nhóm phiến quân IS ở miền Bắc nước này.
Cuộc khủng hoảng tại Iraq đã leo thang thành xung đột, kể từ khi các chiến binh IS nắm được quyền kiểm soát Mosul vào tháng 6 - 2014. Theo CNN, chính phủ Mỹ có thể đang lên kế hoạch triển khai bộ binh đến Iraq, nơi các lực lượng vũ trang của nước này sẽ tiến hành chiến dịch chống lại khủng bố IS đang kiểm soát thành phố Mosul. Các cơ quan tình báo Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động nhằm thu thập thông tin bên trong Mosul, từ đó đưa ra quyết định về vai trò của bộ binh Mỹ trong cuộc chiến giành lại thành phố.
Cũng trong ngày 8-2, Lực lượng vũ trang Jordan (JAF) thông báo đã phát động các đợt không kích mới chống IS trong ngày thứ 3 liên tiếp sau vụ viên phi công người Jordan bị IS sát hại. JAF cho biết, các máy bay phản lực đã tấn công nhiều vị trí của IS, phá hủy nhiều kho vũ khí, đạn dược và trung tâm huấn luyện của tổ chức này và đã trở về căn cứ an toàn. Bộ trưởng Nội vụ Jordan Hussein al-Majali tuyên bố Jordan sẽ truy lùng các tay súng IS đến cùng và quyết tâm tiêu diệt những phần tử cực đoan này.
Hôm 7-2, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã điều một phi đội máy bay chiến đấu F-16 tới Jordan để hỗ trợ các cuộc không kích chống tổ chức IS. Động thái này được xem là nỗ lực của UAE nhằm tái gia nhập liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS. Hãng thông tấn chính thức WAM của UAE đưa tin, Thái tử Mohammed bin Zayed al-Nahayan, Phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang UAE, đã đưa ra quyết định trên nhằm khẳng định “tình đoàn kết bền vững và kiên định của UAE với Jordan cũng như vai trò đi đầu của nước này vì an ninh và sự ổn định của khu vực”.
HẠNH CHI (tổng hợp)