Israel sẽ tấn công Iran?

Ngày 1-2, thông tin về việc Israel sẽ thực hiện cuộc tấn công Iran tiếp tục trở thành đề tài nóng trong hàng loạt các bài báo của Mỹ và phương Tây sau khi thông tin về chuyến viếng thăm bí mật của Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel Tamir Pardo đến Washington, Mỹ, bị rò rỉ.
Israel sẽ tấn công Iran?

Ngày 1-2, thông tin về việc Israel sẽ thực hiện cuộc tấn công Iran tiếp tục trở thành đề tài nóng trong hàng loạt các bài báo của Mỹ và phương Tây sau khi thông tin về chuyến viếng thăm bí mật của Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel Tamir Pardo đến Washington, Mỹ, bị rò rỉ.

  • Những kịch bản

Thông tin này vô tình được nữ Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein tiết lộ. Trong phiên điều trần của ủy ban được đài truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp, Feinstein nói rằng bà đã hội kiến với ông Pardo, người cũng gặp gỡ Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus. Ông Pardo, hiện đang ở Mỹ, đã đề cập đến khả năng Israel có hành động đơn phương đối với Iran.

Máy bay chiến đấu F15 của Israel.

Máy bay chiến đấu F15 của Israel.

Giới phân tích chính trị cho rằng, Israel đã lên kế hoạch mở một cuộc tấn công Iran trong thời gian tới. Trong những ngày qua, giới truyền thông Israel cũng nhiều lần đề cập đến các kịch bản tấn công. Theo tờ Daily Beast, Israel sẽ mở cuộc tấn công đầu tiên bằng máy bay chiến đấu F-15 và F-16 tại các cơ sở hạt nhân trọng điểm của Tehran.

Các cuộc tập huấn không lực Israel trên diện rộng đã diễn ra cuối năm ngoái trên đảo Sardinia của Italia. Tại đây, các máy bay ném bom tầm xa diễn tập tấn công với không quân Italia, Đức và Hà Lan. Israel diễn tập với tên lửa Jericho, loại có thể tấn công các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Iran.

Israel đã phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Các tàu ngầm Dolphin của Israel được cho là có đủ khả năng mang các tên lửa đa mục tiêu với đầu đạn thông thường và hạt nhân. Tel Aviv có thể đưa các tàu này qua kênh đào Suez của Ai Cập, như từng làm khi căng thẳng xảy ra năm 2009 để đến được vịnh Persic.

Một khả năng nữa là các đội biệt kích tinh nhuệ của Israel có thể được triển khai đến các mục tiêu cụ thể để tiến hành các cuộc tấn công bí mật và bất ngờ. Các phi cơ không người lái tầm xa sẽ hỗ trợ về trinh sát và thậm chí cả oanh kích.

Israel đang cân nhắc kế hoạch phát triển chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với gián điệp để tiến hành chiến dịch lật đổ phá hoại. Các thông tin tình báo Mỹ cho biết hệ thống mạng viễn thông, Internet tại Iran chưa phát triển mạnh và có khả năng chống cự vào mức yếu nếu Israel tiến hành các vụ tấn công mạng tương tự như vụ tấn công từ chối theo kiểu Stuxnet.

Các vụ tấn công mạng sẽ làm nghẽn mạng, làm hệ thống máy chủ tại các cơ quan trọng yếu của Iran bị tê liệt khi phối hợp đáp trả các cuộc tấn công của Israel.

  • Cần ngăn chặn kịch bản Iraq tái diễn

Trong lúc thông tin về những vụ tấn công rộ lên thì kết quả chuyến hành trình của các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Iran lại làm dư luận đặt câu hỏi về tính xác thực của bản báo cáo công bố cách đây chưa đầy 2 tháng.

Theo bản báo cáo do IAEA công bố, Iran đang bí mật thực hiện mua sắm thiết bị và thiết kế chế tạo vũ khí hạt nhân, thử nghiệm các vụ thử chất nổ và tạo mô hình điện tử đầu đạn hạt nhân, thực hiện các công việc chuẩn bị thử nghiệm đầu đạn hạt nhân. IAEA khẳng định, bản báo cáo là sự thu thập từ điều tra của các quốc gia thành viên. Các nước phương Tây đã lấy báo cáo của IAEA làm cái cớ gây sức ép cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran.

Hãng tin Fars (Iran) đưa tin hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận vào thời điểm đã được ấn định nhưng không cho biết chi tiết. Hãng tin ISNA thì cho biết phái đoàn gồm 6 thành viên của IAEA đã không thị sát bất cứ một trung tâm hay cơ sở hạt nhân nào. Nội dung của các cuộc thảo luận và những người tham gia không được tiết lộ.

Báo New York Times cho rằng còn quá sớm để khẳng định Iran muốn sản xuất vũ khí hạt nhân. Việc chính quyền Tehran cản trở các thanh sát viên IAEA khiến các kết luận của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran nhiều khi chỉ là đoán mò, dựa trên cảm tính. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga Igor Barinov tuyên bố thế giới cần ngăn ngừa một kịch bản Iraq xảy ra với Iran.

Theo ông Barinov, bản báo cáo của IAEA khiến người ta nhớ những gì từng xảy ra với Iraq. Chính những thông tin do các cơ quan tình báo phương Tây công bố đã châm ngòi cho một sự can thiệp quân sự quy mô lớn nhằm vào Iraq trong một thời gian dài. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục