Ít nhất 7 người chết và mất tích do bão lũ

Bão số 3 đã đi qua (làm 2 người bị thiệt mạng, mất tích). Nhưng mưa lũ sau bão trong ngày 20-8 còn làm thêm ít nhất 5 người thiệt mạng và mất tích.
Ít nhất 7 người chết và mất tích do bão lũ

Bão số 3 đã đi qua (làm 2 người bị thiệt mạng, mất tích). Nhưng mưa lũ sau bão trong ngày 20-8 còn làm thêm ít nhất 5 người thiệt mạng và mất tích.

Nhiều nơi mất điện đã khắc phục xong

Ngày 20-8 một số nơi ở miền Bắc đã hửng nắng lại nhưng mưa lớn cục bộ vẫn xảy ra ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mưa lớn đã làm hàng trăm hộ dân ở thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa bị nước lụt bao vây. Mưa lớn còn gây sạt lở nặng và lũ cục bộ tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, TP Lào Cai… Hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, sập vào sáng 20-8. Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, có 1 nạn nhân bị chết tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn do bị cát vùi lấp tại khu vực Thác Ồ và 1 nạn nhân mất tích là cháu Châu A Dế, 14 tuổi, trú tại xã Hầu Thào, huyện Sa Pa bị lũ cuốn trôi vào sáng 20-8 khi đang đi chơi cùng bạn.

Tại tỉnh Yên Bái có 2 nạn nhân vợ chồng ông Hờ Chông Dinh (72 tuổi), và bà Sùng Thị Mỷ (70 tuổi) ở thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu bị lũ cuốn trôi khi đang ở lán trại của gia đình lúc mưa lũ lớn. Ngày 20-8, trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn có mưa lớn. Tuyến đường ở huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ bị sạt lở nặng. Hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, ngập nước lũ. Tại tỉnh Hòa Bình cũng báo cáo có 1 nạn nhân mất tích do lũ.

Như vậy, tổng cộng đến thời điểm này đã có ít nhất 7 người bị chết và mất tích do mưa lũ bão, ngoài 5 người tại Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, còn có 1 nạn nhân bị thiệt mạng tại tỉnh Sơn La và 1 nạn nhân mất tích thuộc tỉnh Bắc Giang. Bão đã làm thiệt hại gần 6.000ha lúa và hoa màu. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải sơ tán 50.401 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn.

Tại các tỉnh nằm trong tâm bão như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh thống kê đến chiều 20-8 cho thấy không có thiệt hại về người. Sau bão, các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lớn. Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 20-8 do thời tiết biển tạm ổn trở lại nên đã cho phép các tàu du lịch chạy qua các đảo, 33 khách du lịch bị mắc kẹt ở Cô Tô, Minh Châu - Quan Lạn, Vân Đồn… đã trở về đất liền an toàn. Sự cố mất điện toàn bộ ở huyện đảo Cô Tô đã khắc phục xong. Nước lũ ở huyện Ba Chẽ đã rút, giao thông được nối lại. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, tại tổ 9, khu 1, phường Hồng Gai, TP Hạ Long xuất hiện một hố sụt lún sâu 5m nhưng sáng 20-8 đã tổ chức di dời 9 hộ dân tới nơi an toàn.

Công ty Điện lực Hà Nội khẩn trương khắc phục sự cố mất điện trên địa bàn thủ đô Hà Nội do mưa bão số 3 gây ra  Ảnh: EVN

Còn theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bão số 3 vẫn gây sự cố mất điện trên cả hệ thống truyền tải và phân phối nhưng mức độ không nặng nề như trong bão số 1. Phần lớn các sự cố điện xảy ra ở thủ đô Hà Nội (41 đường dây), Lạng Sơn (đến chiều 20-8 vẫn còn khoảng 2.500 hộ bị mất điện), Quảng Ninh (93.995 khách hàng bị mất điện), Hà Nam, Vĩnh Phúc… Đến chiều 20-8 các công ty điện lực ở Hà Nội đã ứng trực 100% quân số và khắc phục xong sự cố mất điện do cây đổ.

Mưa lũ còn phức tạp

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm trong chỉ đạo phòng tránh bão số 3 và triển khai các nhiệm vụ ứng phó mưa lũ sau bão của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 20-8 tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, sau khi cơn bão số 3 tan, hiện nay ở ngoài khơi xa thuộc Thái Bình Dương đang hình thành 3 cơn áp thấp có thể mạnh lên thành bão nhưng ít có khả năng vào biển Đông. Hiện lũ trên sông Hồng - sông Thao đang lên, nguy cơ xảy ra ngập úng ở tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, đặc biệt là TP Yên Bái và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và các thành viên ban chỉ đạo cho rằng tinh thần chống bão số 3 cũng như dự báo có sự chủ động nhưng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến mưa lũ ngày càng bất thường, các chương trình ứng phó thiên tai của các địa phương phải chi tiết và sát thực tế hơn. Mưa lũ vẫn còn nên các địa phương tích cực hướng dẫn bà con, không để xảy ra thiệt hại do lũ ống, lũ quét, tập trung tiêu úng, chăm sóc lúa và hoa màu. Giám sát chặt 28 hồ chứa hiện đã tích đầy trong thời điểm mưa lũ còn tiếp diễn.

Liên quan đến những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, trong những ngày vừa qua, Bộ Ngoại giao đã liên tục phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát những diễn biến trên biển để có các biện pháp bảo hộ kịp thời đối với ngư dân và tàu cá. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với các cơ quan chức năng Trung Quốc đề nghị phía Trung Quốc phối hợp đảm bảo an toàn cho các ngư dân Việt Nam trong các trường hợp khẩn cấp.

Thông tin ngày 17-8 của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, phía Trung Quốc đã cử trực thăng ra đưa 1 ngư dân trên tàu cá số hiệu ĐNa 90098 TS bị tai nạn lao động về tỉnh Hải Nam, Trung Quốc để chữa trị.

THÀNH NAM 


VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục