Italia đang đối mặt với khả năng phải tổ chức bầu cử sớm sau khi Thủ tướng Mario Monti tuyên bố sẽ từ chức, còn ông Silvio Berlusconi thông báo sẽ ra tranh cử chức thủ tướng lần thứ 6 trong vòng 2 thập kỷ. Dư luận châu Âu lo ngại viễn cảnh ông Berlusconi trở lại cương vị người đứng đầu Chính phủ Italia sẽ khiến cuộc khủng hoảng châu Âu thêm tồi tệ.
2 kịch bản cuộc bầu cử?
Thủ tướng Monti cho biết sẽ từ chức ngay sau khi quốc hội thông qua ngân sách cho năm tới. Điều này cũng có nghĩa các cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào tháng 2-2013, ngay trước khi nhiệm kỳ của chính phủ hiện nay kết thúc vào cuối tháng 4-2013. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Italia Corriere della Sera, ông Monti cho biết một trong những lý do khiến ông phải đưa ra quyết định này là đảng Nhân dân tự do (PDL) của ông Berlusconi tuần trước tuyên bố không ủng hộ ông nữa.
Phát biểu trước quốc hội ngày 7-12, Tổng thư ký PDL Angelino Alfano cho biết kể từ khi ông Monti lên nắm quyền hồi tháng 11-2011, các khoản nợ của Italia, tỷ lệ thất nghiệp và thuế đã tăng mạnh, trong khi nền kinh tế giảm sút. 2 ngày sau đó, ông Alfano tiếp tục chỉ trích chính phủ của ông Monti đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.
Các chính đảng Italia ngày 9-12 đã bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử trước thời hạn. Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy đảng của ông Berlusconi sẽ đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thậm chí là thứ 3, còn đảng Dân chủ trung tả do ông Pier Luigi Bersani lãnh đạo được dự đoán sẽ thắng cử. Erik Nielsen, nhà kinh tế của UniCredit, cho rằng tương lai của Italia không có gì đáng ngại và dự đoán có 2 kịch bản cuộc bầu cử sớm của Italia: hoặc liên minh do ông Bersani lãnh đạo sẽ thắng cử, hoặc một chính phủ mới do ông Monti đứng đầu sẽ được thành lập sau bầu cử.
Những toan tính chính trị
Hãng tin AFP dẫn lời một số nhà phân tích nhận định rằng quyết định đẩy nhanh các cuộc bầu cử của ông Monti cũng có thể là một cách để ông chuẩn bị con đường riêng cho mình tham gia chính trường sau khi ông Berlusconi thông báo sẽ ra tranh cử. Đây được coi là “nước cờ phủ đầu”, ngăn ông Berlusconi có thời gian tranh cử lâu dài để từ đó lợi dụng khó khăn trong nước và quy hết trách nhiệm lên chính phủ hiện nay nhằm “câu” phiếu.
Trong khi đó, dù biết rằng khó có thể thắng cử một lần nữa để trở lại nắm quyền hành pháp như 2 lần trước, ông Berlusconi vẫn hy vọng sẽ còn đủ thế lực để chi phối đời sống của quốc hội, và chủ yếu là để tiếp tục được hưởng quyền miễn tố dành cho nghị sĩ để trốn tránh những nợ nần công lý. Và nhất là để không phải đương đầu với những vụ án về trốn thuế và bê bối tình ái mà ông Berlusconi là nghi phạm trong vụ mua bán tình dục với trẻ vị thành niên.
Quân bài của ông Berlusconi trong mùa tranh cử lần này sẽ là bãi bỏ thuế: bỏ thuế bất động sản, giảm bớt thuế cho các hoạt động đầu cơ tài chính. Người dân Italia vốn rất “dị ứng” với vấn đề thuế, hễ ai nói bỏ thuế, miễn thuế, thì coi như đã giành được lá phiếu của cử tri.
Không chỉ Italia phải lao đao, tạp chí Slate cho rằng châu Âu, vốn đang phải đối mặt với khó khăn, sẽ mệt mỏi hơn khi ông Berlusconi quay trở lại. Theo tờ La Repubblica (Italia), châu Âu không hề muốn ông Berlusconi lên nắm quyền.
Rất nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn xã hội, kinh tế, tài chính mà Italia đang phải đương đầu là sản phẩm của ông Berlusconi sau 20 năm cầm quyền, góp phần làm cuộc khủng hoảng ở châu Âu thêm tồi tệ. Joerg Asmussen, một thành viên của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thúc giục: “Bất kỳ ai trở thành người đứng đầu Chính phủ Italia sau bầu cử, hãy nghiêm túc đi theo con đường mà ông Monti đã vạch ra”.
Ông Monti với một chính phủ kỹ trị trong hơn một năm qua đã thực hiện khá nghiêm túc những chính sách mà châu Âu đề ra để đối phó với cuộc khủng hoảng tại khu vực.
ĐỖ CAO (tổng hợp)