Jollibee - Thương hiệu lớn mang bản sắc châu Á

Jollibee của Philippines là một tập đoàn thức ăn nhanh đa quốc gia hàng đầu châu Á. Năm 2009 này, hãng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, bao gồm việc mở thêm các cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee tại hàng loạt trung tâm mua sắm giải trí lớn. Sự thành công của Jollibee đã khẳng định sức sống của một thương hiệu lớn mang bản sắc châu Á.

Dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh

Jollibee - Thương hiệu lớn mang bản sắc châu Á ảnh 1
Thiết kế cửa hàng Jollibee trên toàn cầu đều mang tính thân thiện. Ảnh: T.MINH

Jollibee là một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh có trụ sở tại Philippines, ra đời năm 1978 với người sáng lập là ông Tony Tan, một người Philippines gốc Hoa mà hiện nay là một trong những doanh nhân có tổng tài sản lớn nhất Philippines. Ngay từ năm 1985, sau 7 năm hoạt động, Jollibee đã dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh tại Philippines. Đến hôm nay, Jollibee vẫn dẫn đầu thị trường với doanh số là 14 triệu peso tính đến hết quý thứ 4 năm 2008.

Sau Phillipines, những cửa hàng thức ăn nhanh mang thương hiệu Jollibee cũng đã xuất hiện ở khắp nơi như Mỹ, Ả-rập Xê-út, Hong Kong, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Dubai, Brunei...

Jollibee là một hiện tượng thành công của Philippines. Khởi nghiệp vào năm 1975 từ một tiệm kem nhỏ chỉ với hai chi nhánh cung cấp thức ăn nóng và bánh mì kẹp, Jollibee nhanh chóng phát triển thành công ty vào năm 1978 với 7 cửa hàng nhằm khảo sát tính khả thi của dự án hamburger. Và đó cũng là khởi đầu của một công ty làm thay đổi ngành thức ăn nhanh tại Philippines.  

Năm 1984, Jollibee đạt doanh thu 500 triệu peso Philippines và trở thành một trong 500 tập đoàn hàng đầu của quốc gia này. Năm 1987 ghi dấu 10 năm hoạt động, Jollibee nằm trong danh sách 100 tập đoàn hàng đầu của Phillipines. Jollibee trở thành chuỗi nhà hàng ăn nhanh đầu tiên ở Phillipines phá vỡ kỷ lục doanh thu 1 tỷ peso Philippines vào năm 1989. Năm 1993, Jollibee trở thành công ty phục vụ thức ăn nhanh đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán Phillipines, từ đó mở rộng vốn đầu tư và đặt nền tảng cho việc liên tục mở rộng kinh doanh rộng khắp Phillipines và cả ở nước ngoài.

Công ty từng đoạt giải thưởng “Nhà quản lý của năm” do Hiệp hội Quản lý Nhân sự Phillipines trao tặng cùng giải “Quản lý nhân sự tốt nhất tại Phillipines” của Hiệp hội Hewitt và được báo Asian Wall Street Journal vinh danh là một trong 20 nhà quản lý nhân sự hàng đầu châu Á.

Ngoài việc đẩy mạnh môi trường làm việc đề cao giá trị gia đình, giá trị thương hiệu, Jollibee còn được thể hiện qua hoạt động quảng cáo và marketing. Jollibee xác định khách mục tiêu của mình chính là những gia đình truyền thống. Do vậy, tất cả các hoạt động truyền thông tập trung vào tôn vinh những giá trị gia đình, giúp cho Jollibee trở thành chuỗi nhà hàng ăn nhanh cho gia đình số một tại Phillipines.

Jollibee - Thương hiệu lớn mang bản sắc châu Á ảnh 2

Vị thế thương hiệu hàng đầu

Lúc mới ra đời, Jollibee chỉ có một vài cửa hàng thì hiện nay công ty đã phát triển rộng khắp thành 651 cửa hàng tại Phillipines cùng 49 chi nhánh tại các nước khác như Mỹ và Brunei.

Tại Việt Nam, Jolllibee hiện đã có 11 cửa hàng tại TPHCM. Mục tiêu của thương hiệu là mở rộng kinh doanh trên khắp mọi miền Việt Nam trong những năm tới.

Tháng 2-2009 vừa qua, Jollibee đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở khu vực miền Đông nước Mỹ, đặt tại New York. Ông Ernesto Tanmantiong, Chủ tịch Bộ phận kinh doanh Jollibee phân tích: “Jollibee phát triển nhanh chóng là nhờ có được thực đơn cao cấp, nhiều chương trình marketing sáng tạo, cùng các cơ sở sản xuất và hậu cần hoạt động hiệu quả. Thành công này có được nhờ một đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, làm việc trong môi trường vui vẻ và thân thiết như gia đình. Nhằm bảo đảm chất lượng thực phẩm, Jollibee có các cơ sở chuyên sản xuất những món ăn chế biến sẵn rồi vận chuyển đến từng cửa hàng Jollibee để phục vụ khách hàng. Ví dụ tại TPHCM, đơn vị này mang tên Kho thực phẩm Jollibee Việt Nam. Cao hơn kho này là một cơ sở sản xuất công nghệ cao trị giá 1,5 tỷ peso Philippines tại Laguna (Philippines), chuyên hỗ trợ nhu cầu sản phẩm cho đa số các nhà hàng ăn nhanh”. 

Được biết, cơ sở sản xuất này rộng trên 6 hecta thuộc Khu công nghiệp Carmelray. Nhà máy này chuyên sản xuất thức ăn chế biến sẵn trên quy mô công nghiệp. Mỗi ngày, nhà máy có thể sản xuất tối đa 20 tấn ChickenJoy (loại cơm gà chủ lực của Jollibee), 40 tấn nhân bánh hamburger, 56 tấn nước sốt các loại, 200.000 chiếc bánh cùng 23 tấn xúc xích được vận chuyển đến các cửa hàng Jollibee khắp Philippines.

Hệ thống phân tích và dự đoán được sử dụng để lên kế hoạch sản xuất, cũng như cung cấp thông tin hỗ trợ các chiến lược tiếp thị, bán hàng và ra mắt sản phẩm mới. Sản phẩm ChikenJoy của Jollibee được chế biến tại dây chuyền tự động do máy vi tính điều khiển toàn bộ quá trình tẩm ướp và hóa đông. Xúc xích, thịt viên và giăm bông tẩm gia vị mang tên Jolly được sản xuất bằng dây chuyền chế biến chuyên biệt….

Ngày nay, ngoài hoạt động kinh doanh, Jollibee cũng tận tâm đóng góp cho cộng đồng thế giới thông qua những dự án xã hội lâu dài. Quỹ hỗ trợ Jollibee được ra đời vào tháng 12-2004, với mục tiêu đầu tư vào con người và giúp họ thành công theo bí quyết của Jollibee.

Tường Thụy - Minh Nguyễn


THÔNG TIN BẠN ĐỌC CẦN BIẾT:

* Muốn kinh doanh nhượng quyền thương hiệu Jollibee tại Việt Nam, bạn phải có địa điểm bán hàng thật tốt (Diện tích sử dụng từ 100m2 đến 200m2, trong tương lai có thể lớn hơn). Mọi người có thể viết thư giới thiệu về mục đích hợp tác đến Tổng Giám đốc Jollibee Việt Nam – email: jojo.subido@jollibee.com.ph. Công ty sẽ tìm hiểu kỹ và có hướng hợp tác thích hợp.

* Tại Việt Nam, Jollibee có 10 cửa hàng tại TPHCM. Tháng 10 vừa qua, Jollibee mở thêm một chi nhánh ở Biên Hòa (Đồng Nai), là cửa hàng Jollibee đầu tiên bên ngoài TPHCM.

Tin cùng chuyên mục