Lộ trình của nhiều VĐV quyền Anh nghiệp dư sau khi trở thành nhà vô địch của Olympic thường là… chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp sau khi giành được tấm HCV danh giá. Nhưng đối với Anthony Joshua, anh sẽ không theo điều “đương nhiên” này - như những gì mà các vị “tiền bối”, các bậc “đàn anh” người đồng hương như Lennox Lewis, hay James DeGale đã từng trải qua sau Olympic London vừa qua mà anh sẽ chỉ dấn thân vào thế giới quyền Anh chuyên nghiệp cho đến khi nào anh giành được ngôi VĐTG ở giải quyền Anh nghiệp dư. Và thậm chí cho dù phải đợi đến sau Olympic Rio de Janeiro 2016 để thỏa mãn ước mong này, anh cũng không quản ngại quãng thời gian “4 năm mất mát”.
Joshua đã đăng quang ngôi vô địch Olympic London 2012 ở hạng cân siêu nặng sau một trận đấu chung kết đầy kịch tính - anh đã bị võ sĩ người Italia Roberto Cammarelle (lúc đó là ĐKVĐ Olympic, cựu VĐTG) dẫn đến 3 điểm khi bước vào hiệp đấu cuối cùng. Với những nỗ lực chiến đấu đến kỳ cùng, không hề biết ngừng nghỉ, Joshua đã ghi liền 3 điểm để cân bằng điểm số 18-18. Kết thúc trận đấu, sau khi các trọng tài cùng họp bàn với nhau và xác nhận Joshua trở thành nhà tân vô địch Olympic nhờ vào luật… count-back. Dù Cammarelle có phản ứng rất quyết liệt để chống lại quyết định của các vị cầm cân nảy mực, kết quả cũng vẫn được giữ nguyên…
Tuy đã giành được thành công cao nhất ở Olympic London, Joshua vẫn canh cánh nỗi lo ở giải đẳng cấp VĐTG. Với anh, đó chính là “nhiệm vụ chưa thể hoàn thành”, khiến anh chưa thể dấn thân ngay vào làng quyền Anh chuyên nghiệp.
Thường thì lộ trình chuyển sang chơi chuyên nghiệp là động thái không cần phải suy nghĩ với các võ sĩ đạt được thành công ở Olympic. Tất nhiên, không phải ai chuyển sang chơi chuyên nghiệp cũng sẽ thành công, như bài học của người đồng hương Audley Harrison. Trong khi Joshua cần tích lũy thêm những kinh nghiệm cần thiết để “tồn tại” ở làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới, đồng thời trong lúc anh đang phục vụ cho mục tiêu đeo đuổi ngôi VĐTG nghiệp dư đầu tiên của mình, sự hỗ trợ của Quỹ National Lottery và sự xuất hiện của các giải đấu mới World Series of Boxing (WSB) hay AIBA Pro Boxing (APB) - các giải quyền Anh nghiệp dư mang hơi hướm chuyên nghiệp do Liên đoàn điền kinh quốc tế (AIBA) khởi xướng - chính là điều mà Joshua cần vào lúc này.
Sau chiến thắng nghẹt thở trước Roberto Cammarelle (người mà anh cũng đã từng đánh bại với điểm số 15-13 ở vòng tứ kết tại giải quyền Anh VĐTG Baku 2011) tại Olympic London 2012, Anthony Joshua cho biết: “Tấm huy chương này đại diện cho cuộc phiêu lưu của tôi và sự cổ vũ của các đồng đội. Nó còn có ý nghĩa hơn cả một tấm HCV, nó chính là một trải nghiệm đầy giá trị của cuộc sống!”. Chứng kiến chiến thắng của Joshua, huyền thoại Lennox Lewis (hiện là BLV quyền Anh của BBC) cũng nói: “Anthony thể hiện một trái tim cháy bỏng và một tầm vóc khổng lồ. Khi mọi chuyện càng lúc càng khó khăn, càng lúc càng khó khăn, cậu ấy vẫn vượt qua. Đến khi cậu ấy quyết định chuyển sang chơi chuyên nghiệp, cậu ấy sẽ là một võ sĩ chuyên nghiệp vĩ đại. Cậu ấy có cái tầm vóc để trở thành nhà VĐTG tiếp theo”. T.Ph.
Có 5 trọng tài cùng tham gia chấm điểm trong mỗi trận đấu quyền Anh nghiệp dư, nhưng chỉ có điểm số của 3 trọng tài chấm cân bằng nhau nhất được chọn để tính điểm chung cuộc. Khi điểm số cuối trận cũng vẫn là ngang bằng nhau (như 18-18 trong trận chung kết hạng siêu nặng ở Olympic London 2012 chẳng hạn), điểm số từ 2 trọng tài sẽ bị loại bỏ, và điểm số của trọng tài còn lại chính là điểm số cuối cùng. Trong trường hợp điểm số vẫn hòa, điểm số cao nhất và thấp nhất của các trọng tài ở góc võ đài xanh và đỏ sẽ bị loại bỏ. Nếu điểm số vẫn hòa, 5 trọng tài sẽ họp với nhau để đưa ra biểu quyết kẻ thắng và… người bại. |
HOÀNG DƯƠNG