Ngày 15-8, nữ võ sĩ judo Văn Ngọc Tú đã từ Brazil về đến Hà Nội. Ngay hôm sau, cô đã bay vào Đà Nẵng để tập trung cùng đội tuyển quốc gia môn kurash, chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á thứ lần 5-2016 (ABG 5) tổ chức tại thành phố này từ ngày 24-9 đến 3-10. Chuẩn bị cho ABG 5, Việt Nam có 2 nhóm võ sĩ tập huấn để thi đấu 2 môn: kurash (20 võ sĩ) và sambo (16 võ sĩ). Kurash không hề xa lạ với Ngọc Tú bởi cô từng đoạt HCV môn này tại Asian Indoor Games lần 3-2009, Asian Indoor Martial Arts Games lần 4-2013 và ABG 4-2014. Thế nên, Ngọc Tú chính là niềm hy vọng “vàng” của kurash Việt Nam tại ABG 5. Trong lúc đó, Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu HCĐ ở môn sambo, vì có quá nhiều đối thủ mạnh, như: Kazakhstan, Uzbekistan…
Ngọc Tú từng đạt HCV môn kurash tại Asian Indoor Games lần 3-2009. Ảnh: T.L.
Là võ sĩ judo vinh dự 2 lần góp mặt ở đấu trường Olympic, nếu như lần đầu thua ngay từ trận ra quân ở London 2012 thì Ngọc Tú (hạng 45 thế giới) tiến bộ hơn ở Rio de Janeiro khi giành được 1 trận thắng trước võ sĩ Valentina Moscatt (Italy, hạng 26 thế giới). Đây cũng là trận thắng đầu tiên của judo Việt Nam ở Olympic. Sau đó, Ngọc Tú thi đấu kiên cường và chỉ thua phút cuối trước đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc là Jeong Bo Kyeong (hạng 9 thế giới, giành HCB chung cuộc). Trong bối cảnh không có HLV đi kèm, sự cố gắng của Ngọc Tú rất đáng được ghi nhận và cô đã hoàn thành nhiệm vụ, vì “tôi đã nỗ lực hết sức mình”.
Theo Trưởng bộ môn judo (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hữu An, từ kết quả thi đấu của Ngọc Tú cũng như những kinh nghiệm chuẩn bị cho Olympic Rio, Bộ môn và Ban huấn luyện đã dự kiến kế hoạch tham gia các đấu trường quan trọng từ năm 2017 đến 2020. Cụ thể là từ ngày 5-10 tới, đội dự tuyển quốc gia sẽ tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 29 tổ chức ở Malaysia vào tháng 8-2017, kế đến là Asian Indoor Martial Arts Games diễn ra vào tháng 9-2017 tại Ashgabat, Turkmenistan rồi Asian Games (tháng 8-2018) ở Indonesia và xa hơn là Olympic lần thứ 32-2020 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Từ nay đến Olympic Tokyo 2020 là quảng thời gian không dài. Ông Nguyễn Hữu An cho biết judo Việt Nam phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để giành suất dự giải đấu danh giá nhất hành tinh này theo phương thức tích điểm qua các giải đấu (như Olympic 2016 vừa rồi), vì xét về thực lực thì hiện nay chúng ta chưa có võ sĩ đủ khả năng chen chân vào tốp 14 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Judo quốc tế. Tất nhiên, hạng cân thấp của nữ được ưu tiên đầu tư vì lực lượng nam vẫn còn một khoảng cách với các nước.
Trước mắt, võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trà Vinh, sinh năm 1993, HCV SEA Games 28, đang xếp hạng 83 thế giới) được chọn lựa ở hạng 52kg và ở hạng cân 48kg sẽ tăng cường võ sĩ Hoàng Thị Tình (Thanh Hóa, sinh năm 1994). Trong thời gian gần đây, Hoàng Thị Tình đấu tập khá tốt với các đàn chị trong đội dự tuyển quốc gia, nhưng vẫn còn non kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Mặt khác, đội dự tuyển judo Việt Nam cũng được bổ sung chuyên gia Kang Dong Woo (Hàn Quốc) từ đầu năm 2016. Kang Dong Woo từng là chuyên gia của đội tuyển judo TPHCM hồi năm 2014. Anh này làm rể Việt Nam và đã có 2 cháu gái, nên cũng có nhiều thuận tiện.
Theo ông Nguyễn Hữu An, lấy cột mốc Asian Games 2018 làm nền tảng và điều chỉnh (nếu có), judo Việt Nam sẽ phấn đấu giành 1 suất dự Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, với mức đầu tư như hiện nay cũng như cần tập trung cho một vài môn khác có nhiều triển vọng giành huy chương hơn, việc cải thiện thành tích của judo Việt Nam cần có thêm thời gian và phấn đấu từng bước một, mà trước tiên là ở đấu trường Asian Games 2018.
HOÀNG THỊNH