Sau hơn 10 năm phát triển, làn sóng K-pop đã thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu. Phim ảnh, thời trang, âm nhạc, mỹ phẩm… chỉ cần xuất xứ từ Hàn Quốc đều nhận được ủng hộ từ giới trẻ. Những lợi nhuận khổng lồ ấy càng thúc đẩy chính phủ nỗ lực củng cố và nâng cao vị thế của nền giải trí Hàn trong lòng công chúng.
Phát pháo đầu tiên thuộc về đài Truyền hình KBS. Kênh quốc tế KBS World tung ra chương trình giải trí tiếng Anh mang tên K-Wave Station gồm 3 phần, dài 30 phút, phát vào tối thứ sáu mỗi tuần. Phần một là K-wave News, cung cấp những thông tin mới nhất của sao Hàn. Phần hai là K-pop No. 1, phân tích con đường dẫn đến thành công và bí quyết giữ vững vị trí thần tượng của các ca sĩ hoặc nhóm nhạc nổi tiếng nhất thời điểm phát sóng.
Phần cuối là Idol Adventures dành riêng cho các nghệ sĩ trẻ. Các fan sẽ cùng thần tượng đến thăm các di tích lịch sử để tìm hiểu văn hóa truyền thống Hàn Quốc. K-Wave Station được đánh giá là chương trình làm riêng cho các nước phương Tây nhằm tạo bệ phóng để làn sóng Hàn tiến sâu hơn vào thị trường này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ông Choung Byoung-gug nhấn mạnh: “Để làn sóng K-pop lan tỏa mạnh ở các nước phương Tây, bên cạnh việc nâng cao tính cạnh tranh của K-pop, cải thiện cơ sở hạ tầng và chú trọng phát triển các lĩnh vực có quan hệ mật thiết với K-pop cũng quan trọng không kém”.
Ông Choung còn cho biết, chính phủ dự kiến sẽ thành lập một học viện K-pop (K-pop Academy) nhằm đào tạo và định hướng tài năng cho các ngôi sao từ thuở bé. Học viện sẽ kết hợp với khoa âm nhạc ở các trường đại học tạo điều kiện để nhạc sĩ Hàn Quốc hợp tác với các công ty sản xuất âm nhạc nước ngoài, tăng cường tính toàn cầu hóa.
THÔI THÔI