Kẽ hở!

Hôm trước, có dịp đi làm hồ sơ hành chính tại quận Gò Vấp, khi lấy xe ra về, thấy người đi trước rút tờ 2.000 đồng ra trả tiền gửi xe, tôi cũng rút tiền ra trả. Anh nhân viên giữ xe thoáng ngần ngừ rồi bỏ tiền vào túi áo. Sau lưng tôi, một số người khác cũng móc tiền ra trả tiền xe.

Đến UBND quận Bình Thạnh, khi lấy xe, tôi cũng móc tiền ra trả. Lần này, chị nhân viên giữ xe, mắt vẫn dán vào tờ báo trước mặt rồi… bỏ tiền vào túi. Mới dắt xe ra, một bác xe ôm gần đó bảo tôi và một số người dân khác: Giờ đâu còn thu tiền giữ xe nữa, mấy người đúng là mất tiền oan! Chúng tôi đã định quay lại hỏi nhân viên giữ xe nhưng lại thôi vì thấy nhiều người dân khác cũng đều đang “vô tư” mất tiền oan…

Không chỉ ở Gò Vấp hay Bình Thạnh mà ở UBND quận Tân Bình hay một số phường xã trên địa bàn TPHCM vẫn còn tình trạng các bãi giữ xe của các cơ quan hành chính thu tiền mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129 quy định không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc. Rõ ràng, đây là hành động không “sòng phẳng” với người dân. Tại sao các cơ quan này không niêm yết bảng “giữ xe miễn phí” ngay tại trụ sở để người dân không rơi vào tình trạng “bán tín bán nghi” khi gửi xe và lấy xe? 

Cũng cần phải nói thêm, ở nhiều nơi, các UBND quận huyện chọn cách ký hợp đồng thuê những nhà thầu tư nhân trông coi xe của người dân. Và khi đã khoán thẳng cho nhà thầu, nhiều nơi đã “quên” việc phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định của Chính phủ. Chính vì vậy, mới xuất hiện những nhà thầu ăn tiền hai “đầu”: một của nhà nước một của những người dân “nhẹ dạ”.

1.000 đồng hay 2.000 đồng là số tiền nhỏ. Nhưng nếu một ngày có hàng trăm người dân mất tiền giữ xe oan tại các trụ sở hành chính thì đã chứng tỏ việc thực thi quyết định của Chính phủ vẫn còn những kẽ hở.

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục