Kế hoạch hòa bình Trung Đông - Nảy sinh nhiều nghi vấn mới

Ngày 19-4, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt cho biết, Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không bao gồm việc chuyển nhượng đất từ bán đảo Sinai của Ai Cập cho người Palestine.




 

Trong khi đó, các vụ xung đột giữa người Palestine và binh lính quân đội Israel ở Dải Gaza khiến tương lai khu vực này vẫn chưa thoát khỏi u ám.

Cấp cứu người bị thương trong đụng độ ở Gaza ngày 19-4
 Thiên vị đồng minh


Ông Jason Greenblatt nói rằng, các nhà đàm phán Mỹ chuẩn bị “khởi động” kế hoạch hòa bình bất chấp sự tẩy chay của các nhà lãnh đạo Palestine. Ông này cũng  không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết về kế hoạch và nói rằng, kế hoạch sẽ không được công bố tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc mà sẽ được công bố tại New York sau khi Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, tái đắc cử, thành lập chính phủ liên minh và sau tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, kết thúc vào tháng 6 tới.

Trước thông tin các quan chức Arab và các nhà phân tích độc lập cho rằng, kế hoạch hòa bình có khả năng thiên vị cho Israel, ông Greenblatt trả lời nước đôi: “Hai bên sẽ tìm thấy những gì họ thích và những gì họ sẽ không thích trong kế hoạch. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích từ mọi phía, nhưng chúng tôi tin rằng, đây là cách tốt nhất để thúc đẩy tiến trình hòa bình đi về phía trước”.

Kiến trúc sư trưởng của Mỹ về sáng kiến hòa bình Trung Đông cho biết thêm, Mỹ hy vọng Saudi Arabia và các đồng minh Arab khác sẽ ủng hộ kế hoạch hòa bình này và muốn dựa vào ảnh hưởng của các quốc gia Arab để thuyết phục người Palestine bước vào bàn đàm phán. Trong khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman gần đây đã trấn an các quốc gia Arab khác và người Palestine rằng, ông sẽ không ủng hộ bất kỳ kế hoạch nào mà không giải quyết các mối quan tâm chính của người Palestine. Tuy nhiên, các nghi ngờ đã nảy sinh việc liệu Chính phủ Mỹ có thể đảm bảo thỏa thuận cuối cùng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi cắt đứt viện trợ cho người Palestine và ra lệnh đóng cửa Văn phòng PLO ở Washington, vốn đã làm tăng lên sự giận dữ của các nhà lãnh đạo Palestine. Chính quyền Palestine đã từ chối tham gia vào các nỗ lực hòa giải của Mỹ kể từ tháng 12-2017 khi ông Donald Trump thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sau đó chuyển đại sứ quán Mỹ tới đó và mới đây nhất là công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel.

Tiếp cận đơn phương

Trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng, Palestine “vẫn cam kết đối với hòa bình và đàm phán” nhưng nhấn mạnh điều này phải nằm trong “khuôn khổ của pháp luật, nghị quyết quốc tế hợp pháp”. Mặc dù bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại nhưng ông Abbas cũng khẳng định rằng các vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết Liên hiệp quốc của Israel không thể được giải quyết thông qua đàm phán. Tổng thống Palestine cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để chấm dứt xung đột ở Trung Đông đồng thời nhấn mạnh rằng, các công thức đơn giản cho hòa bình là kết thúc sự chiếm đóng của Israel, thành lập một quốc gia Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô và người Palestine có quyền xác định vận mệnh của mình và phù hợp với luật pháp quốc tế, nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có liên quan.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, qua những thông tin hiện có, có thể đánh giá kế hoạch của Mỹ sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được từ trước tới nay. Theo ông Lavrov, sáng kiến đơn phương của Washington có cách tiếp cận hoàn toàn khác, không bao gồm đề xuất thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem. Mặc dù chưa được công bố chính thức, song nhiều nội dung chi tiết trong Kế hoạch hòa bình đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đăng tải. Ngoại trưởng Nga cho rằng, chính quyền Mỹ “thúc đẩy cách tiếp cận đơn phương không cân nhắc ý kiến của cộng đồng quốc tế và phá hủy những công cụ pháp lý quốc tế cơ bản, chủ chốt và quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề Palestine”.

Tin cùng chuyên mục