Hưởng ứng lời kêu gọi quốc tế triển khai “Kế hoạch Marshall” trị giá 8 tỷ USD của 3 quốc gia Tây Phi (Guinea, Sierra Leone và Liberia) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Ebola, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cam kết sẽ viện trợ thêm 650 triệu USD trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Tổng kinh phí viện trợ của WB đã lên tới 1,62 tỷ USD, nhưng sự hỗ trợ quốc tế đến nay vẫn còn quá ít ỏi để giúp khu vực này khôi phục niềm tin.
Hứa nhiều, nhận ít
“Kế hoạch Marshall” năm xưa là Chương trình chấn hưng nền kinh tế châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, do Mỹ tiến hành. Tại cuộc gặp với lãnh đạo WB và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 17-4, 3 nhà lãnh đạo Tây Phi đã công bố kế hoạch khôi phục sau dịch Ebola, kêu gọi khoản viện trợ lên tới 8 tỷ USD để giúp tái thiết nền kinh tế và xây dựng hệ thống y tế giúp ngăn ngừa sự bùng nổ dịch bệnh trong tương lai.
Các tổ chức quốc tế yêu cầu các quốc gia Tây Phi loại bỏ hoàn toàn dịch Ebola.
Tổng thống Liberia cho rằng, khoản tiền trên sẽ cho phép 3 nước cùng với Bờ Biển Ngà hình thành một Liên minh lưu vực sông Mano giúp phát triển và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững cũng như thiết lập được một hệ thống y tế đủ mạnh để ngăn ngừa những bệnh dịch bùng phát sau này. Theo kế hoạch này, 4 tỷ USD sẽ được triển khai trong vòng 2 năm để giúp khôi phục lại các cộng đồng bị tổn thất do dịch bệnh. Quan trọng hơn, khoản hỗ trợ tài chính này sẽ góp phần khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế, trở lại kinh doanh tại khu vực “ổ dịch”.
Tuy nhiên, bên cạnh khoản cam kết hỗ trợ của WB, tại hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đến nay, thể chế tài chính đa phương này đã cung cấp cho Tây Phi 390 triệu USD giúp phát triển các chính sách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ kế hoạch tái thiết. Đức và Anh cũng cam kết sẽ hỗ trợ thêm 72 triệu USD trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola ở khu vực Tây Phi. Đến nay, vùng dịch châu Phi chỉ nhận được hơn 1 tỷ USD mặc dù các nhà tài trợ đã cam kết một phần lớn trong 8 tỷ hứa hẹn của họ.
Ebola trở thành “cuộc chiến”
Tại cuộc họp, WB đánh giá cao những tiến bộ trong việc đẩy lùi dịch Ebola thời gian qua. Tuy nhiên, cũng như WB, các vị lãnh đạo khác yêu cầu 3 nước vùng dịch phải đảm bảo Ebola được loại trừ dứt điểm, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Việc đầu tiên là xây dựng lại hệ thống y tế đã bị phá hủy hoàn toàn. LHQ đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp các nhà tài trợ vào tháng 7 tới để xúc tiến quyên góp tài trợ tái thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo 3 nước Tây Phi nhấn mạnh rằng họ cần phải hành động nhanh hơn, cần các khoản trợ giúp ngay bây giờ, chứ không phải đến tháng 7. Tổng thống Guinea Alpha Conde giải thích, sở dĩ gọi đây là “Kế hoạch Marshall” là vì những gì Ebola gây ra không khác nào giải quyết hậu quả của một cuộc chiến tranh thảm khốc. Theo ước tính của WB, Ebola tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế của 3 quốc gia Tây Phi này khi Liberia thiệt hại tới 240 triệu USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Guinea thiệt hại 535 triệu USD và Sierra Leone thiệt hại 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chủ tịch WB Jim Yong-kim nhấn mạnh rằng dịch Ebola vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, mặc dù các ca nhiễm mới và ca tử vong đã giảm đáng kể. Trong lúc này, số liệu mới cập nhật của WHO cho biết tuần qua, tại các nước Tây Phi đã xác nhận thêm 37 bệnh nhân Ebola nhiễm mới (28 người Guinea và 9 người Sierra Leone). Kể từ khi dịch Ebola bùng phát vào tháng 12-2013, có tổng cộng 23.969 người tại 9 quốc gia đã bị nhiễm loại virus nguy hiểm này và 9.807 người trong số đó đã tử vong. Trong đó, riêng tại Liberia có 9.249 trường hợp nhiễm Ebola với 4.117 người tử vong.
HẠNH CHI (tổng hợp)