Sáng nay, 24-3, Trường Đại học Mở TPHCM kết hợp cùng Vụ Kinh tế (Văn phòng Trung ương Đảng) tổ chức hội thảo “Lạm phát: Nguyên nhân, tác động và giải pháp”. Hội thảo cho thấy lạm phát và một số vấn đề kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2008 là những vấn đề cần đánh giá cụ thể hơn. Qua đây cũng chỉ ra việc “kê toa”… trị lạm phát là điều cần làm ngay!
Ba tháng đầy “bối rối”
Kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2008 đã bộc lộ những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi nhà nước phải quan tâm, chỉ đạo điều hành một cách quyết liệt hơn… Tiến sĩ Nguyễn Hữu Từ (Viện Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng) đã mở đầu tham luận tại hội thảo một cách khá “nóng” như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Từ dẫn chứng: Tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ đạt 16,5% (thấp hơn cùng kỳ năm trước 17,5%), đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tháng sau thấp hơn tháng trước và thấp hơn kế hoạch đề ra 17,5%.
Hoạt động xuất nhập khẩu có những dấu hiệu chững lại, trong đó nhập siêu 3 tháng đầu năm gần 7,5 tỷ USD (bằng 42,9% kim ngạch xuất khẩu) và có khả năng tăng lên 20 tỷ USD.

Giá tiêu dùng tăng, mua thúng bán bưng cũng ảnh hưởng. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Trong 3 tháng đầu năm, thị trường tài chính, tiền tệ cũng có những bất ổn, gây sốc cho nền kinh tế, trong đó thị trường chứng khoán suy giảm dù nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ.
Đó là chưa kể đến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa đông xuân ở phía Bắc và duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm.
Cùng thời gian trên, lạm phát tiếp tục tăng cao, vượt xa mức độ dự báo với 3 tháng tăng gần 8%, Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát đã vượt quá 50% nếu so với 5 năm trước đây.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Từ cho rằng, tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2008 đang diễn ra với nhiều yếu tố bất ổn, vượt quá những dự báo, kế hoạch đề ra… Nếu không có những biện pháp kịp thời chấn chỉnh kinh tế vĩ mô và ổn định sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đề ra.
Thắt chặt tiền tệ và tài khóa!
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TPHCM , lạm phát của năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.
Nguyên nhân bên trong là do cung tiền tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP (năm 2007: cung tiền tăng 37%; GDP chỉ tăng 8,5%) và vấn đề bội chi ngân sách (5% GDP) cũng là nguyên nhân lạm phát, do chính sách tài khóa nới lỏng.
Chỉ số tiêu dùng năm 2000 so với năm 1999 giảm 0,6%, năm 2001 đến 2003 tình hình giá tiêu dùng tương đối ổn định và tăng chậm. |
Nguyên nhân bên ngoài là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu hỏa thế giới tăng. Hơn nữa lạm phát những tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng, điều này gây áp lực tăng lương.
Khi lương tăng thì lại tiếp tục tăng chi phí sản xuất (chi phí đẩy)… như vậy lạm phát 2008 sẽ tiếp tục tăng. Cho nên, ngoài biện pháp vĩ mô như tăng giá đồng Việt Nam, chính sách tài khóa thắt chặt để kiểm soát lạm phát cần xem xét thêm nhiều chỉ tiêu kinh tế khác, như tăng trưởng GDP trong cả ngắn hạn và dài hạn, cán cân thanh toán và các chỉ tiêu phát triển khác như phân phối thu nhập…
Xem xét trong “Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Khoa Kinh tế- Đại học Mở TPHCM cho rằng lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ phi tuyến tính.
Ở mức lạm phát thấp (1 con số) thì lạm phát không tác động lên tiêu cực tăng trưởng. Khi lạm phát đạt đến ngưỡng từ 11% đến 14%/năm thì nó tác động tiêu cực lên tăng trưởng.
Trong khi đó theo số liệu tổng hợp 20 năm (từ 1987 đến 2007) về tăng trưởng GDP và lạm phát của nước ta cho thấy, GDP tăng 8,5% thì lạm phát cũng tăng 12,6%.
Điều này cho thấy trong thời gian qua, Việt Nam thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để thúc đẩy kinh tế có thể là phù hợp nhưng hiện nay lạm phát đã đạt ngưỡng tiêu cực, việc thắt chặt tiền tệ vài tài khóa là cần thiết để kiềm chế lạm phát. Nhà nước cần sớm thực hiện!
Các đại biểu tham dự hội thảo còn cho rằng để đạt được lạm phát mục tiêu năm 2008 không cao hơn năm 2007 (12,6%) là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì 3 tháng đầu năm 2008, lạm phát đã lên đến 7,2% .
Do đó nhiều giải pháp chính sách cần được thực hiện đồng thời nhưng không để tác dụng phụ là giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Cụ thể là dự báo chính xác lượng giảm cung tiền cần thiết trong thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu, tiếp tục duy trì giá ngoại tệ thấp trong một thời gian nhất định; cần thiết có thể trợ giá xăng dầu, kích thích cung trong ngắn hạn và dài hạn là giải pháp giảm lạm phát một cách bền vững….
BÁ TÂN