Kém lạc quan về các nền kinh tế lớn

Các ông lớn vẫn loay hoay
Kém lạc quan về các nền kinh tế lớn

Giá dầu thế giới giảm giữa lúc các nền kinh tế lớn như EU, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục có những dấu hiệu ì ạch. Lời cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 10 về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám xem ra sắp trở thành sự thật.

Sản lượng dầu khai thác và xuất khẩu của Mỹ tăng là một trong những nguyên nhân làm giảm giá dầu thế giới.

Các ông lớn vẫn loay hoay

Theo truyền hình ABC của Australia, tăng trưởng kinh tế của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, đang có dấu hiệu sụt giảm và người ta đang trông chờ Thủ tướng Angela Merkel có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, gia tăng đầu tư tránh việc kinh tế Đức có thể kéo cả nền kinh tế EU trở lại suy thoái. Dự báo tăng trưởng của Đức trong năm nay chỉ đạt 1,2% so với dự báo trước đó là 1,8%.

Trong những ngày cuối tuần, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã gây bất ngờ khi quyết định tung thêm các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này vẫn đình trệ. Theo Reuters, BOJ cũng quyết định tăng gấp 3 lần số tiền mua các quỹ giao dịch và ủy thác đầu tư bất động sản. Quyết định này khiến đồng yen Nhật Bản giảm giá kỷ lục so với USD trong vòng 18 tháng qua.

Đồng USD mạnh cũng đẩy giá dầu thô giảm cùng lúc sản lượng dầu xuất khẩu của Mỹ và Saudi Arabia tăng trong khi nhu cầu của thế giới không tăng. Giá dầu thế giới hiện ở mức 83USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 5-2012. Giá dầu giảm sẽ khiến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu gặp khó khăn, trong đó có Nga. Ngoài ra, do cấm vận kinh tế của Mỹ và EU nên kinh tế Nga càng bị tác động mạnh hơn. Cùng lúc đó là dòng vốn ngoại tệ chảy khỏi thị trường Nga. Điều này đã dẫn đến quyết định ngày 31-10 Ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất huy động từ 8%/năm lên 9,5%/năm.

Kinh tế toàn cầu suy thoái vào cuối năm 2015?

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định ngừng các gói kích thích kinh tế. Nền kinh tế số 1 thế giới này cũng đã tạo ra thêm nhiều việc làm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng GDP trong quý 2-2014 đạt 4%. Tuy nhiên, màu xám của các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Nga cũng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu.

Tạp chí Fortune của Mỹ dẫn lời nhà kinh tế David Levy, Chủ tịch Trung tâm dự báo Jerome Levy cho rằng khoảng 65% khả năng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm vào cuối năm 2015 vì tăng trưởng thấp của các nền kinh tế lớn ngoài Mỹ, trong đó đáng lưu ý nhất là Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt 7,5%/năm, thấp hơn mức trung bình 10% trong vòng 20 năm qua và được xem là mức thấp nhất từ trước tới nay. Tờ Wall Street Journal cho biết, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất với kinh tế toàn cầu. Đóng góp của nền kinh tế này với tăng trưởng toàn cầu từ mức 10% trong những năm 1990 tăng lên 34% hiện nay, trong khi tỷ lệ tương tự của Mỹ giảm từ 32% còn 17% và EU từ 23% còn 8%.

Cũng theo báo này, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, nhu cầu của thị trường khổng lồ này giảm kéo theo giá nhiều mặt hàng thiết yếu giảm. Tỷ lệ tăng trưởng về nhu cầu dầu thô của Trung Quốc từ đầu năm tới nay gần như bằng 0 và giảm 12% so với năm 2010. Đó cũng là nguyên nhân giá dầu thế giới giảm mạnh. Các công ty toàn cầu phụ thuộc nhiều nhất vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề, giải thích việc cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu giảm mạnh nhất. Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ có khả năng tăng trưởng chậm hơn nữa, có thể xuống mức trên 5%. Nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc hiện đang phải trả giá vì đã kích thích kinh tế quá mạnh kể từ năm 2008.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục