Tuần qua, giá USD trên thị trường tiếp tục giảm do nguồn cung ngoại tệ đã có dấu hiệu dồi dào hơn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thừa nhận nguồn USD trong dân vẫn chưa chảy vào ngân hàng nhiều như kỳ vọng. Và thực tế, nhiều ngân hàng chưa thể bán USD cho dân có nhu cầu hợp pháp.
Ngân hàng khó hút USD
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Công an, cơ quan quản lý thị trường áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay với thị trường ngoại tệ tự do, tuần qua thị trường ngoại tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử, các doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng giúp thanh khoản ngoại tệ được cải thiện rõ rệt.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho biết trong ngày 11-3 lượng tiền gửi huy động bằng VND của DongABank tăng 10 tỷ đồng và lượng tiền gửi ngoại tệ giảm 500.000 USD. Điều này có thể là người dân đã rút ngoại tệ bán cho ngân hàng gửi tiết kiệm bằng VND khi thấy thị trừờng ngoại tệ đang bị siết lại.
Tuy nhiên, một lãnh đạo của Vietcombank cũng cho biết nguồn USD người dân bán cho ngân hàng chưa tăng nhiều. Theo vị lãnh đạo này có thể người dân vẫn còn tâm lý chờ đợi động thái rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý nhà nước về những giải pháp cho thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Eximbank cho biết lượng tiền gửi ngoại tệ ở ngân hàng những ngày qua đã có dấu hiệu tăng mạnh, trong khi nhu cầu vay vốn USD chưa tăng tương ứng. Vì vậy, tuần qua Eximbank phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD xuống, cao nhất từ 5,5%/năm xuống còn 5,35% cho kỳ hạn 12 tháng. Với các kỳ hạn ngắn như 3 - 6 tháng, lãi suất chỉ 5,1%-5,2%/năm.
Giải thích về lượng tiền gửi ngoại tệ ở một số ngân hàng có dấu hiệu tăng mạnh, một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết gần đây thị trường xuất hiện tin đồn rằng sắp tới NHNN sẽ siết lại thị trường ngoại tệ bằng việc bắt buộc cá nhân kê khai nguồn gốc ngoại tệ hợp pháp để giảm tình trạng găm giữ đầu cơ ngoại tệ trong dân.
Vì vậy, ngoài một số bộ phận người dân có ngoại tệ bán ra lấy tiền đồng thì vẫn có người dân lo gửi tiền ngoại tệ vào ngân hàng trước để tránh bị xử lý khi bắt kê khai nguồn ngoại tệ hợp pháp. Cuối tuần qua, NHNN đã khẳng định tin đồn người dân không được sở hữu ngoại tệ là không có cơ sở.
Người dân vẫn khó mua USD
Trước việc nguồn cung chưa được cải thiện nhiều, nhu cầu mua USD của người dân đi công tác, du lịch, du học… cũng chỉ giải quyết được phần nào. Các NHTM cho biết cũng chỉ giải quyết được cho vài trường hợp mua USD cá nhân là khách hàng quen biết.
Cuối tuần qua, NHNN cũng khẳng định rằng khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua.
Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân.
Ngoài ra, NHNN cho rằng có một lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngoại tệ ở nước ngoài là sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng thực tế người dân vẫn rất ngại xuất trình các giấy tờ chứng minh nhu cầu mua ngoại tệ hợp lệ nên họ cảm thấy bất tiện khi mua ngoại tệ ở NHTM. Nhưng trên thực tế, khi người dân có nhu cầu mua ngoại tệ, các NHNN và NHTM đều từ chối khéo, không có để bán.
Chị L.T.T.P nhà ở quận Tân Bình có nhu cầu mua ngoại tệ đi du lịch, cần 1.000 USD để đặt cọc cho công ty du lịch, nhưng do chưa có visa, vé máy bay nên chưa đủ chứng từ hợp lệ mua USD. Chị băn khoăn, nếu không mua được ở ngân hàng phải mua chợ đen để nộp tiền cọc, chưa kể phải có số tiền trong tài khoản để chứng minh lên đến vài chục ngàn USD khi vào châu Âu.
Ngay cả khi có giấy tờ chứng minh đi du lịch châu Âu, thì chưa chắc đã có USD để mua… Khó khăn đó không chỉ là trường hợp của chị, mà của rất nhiều người, nhưng hiện nay NHNN chưa có biện pháp nào để giải quyết nhu cầu mua USD cho dân.
Đã có ý kiến cho rằng, rất khó có chuyện NHNN, NHTM có USD bán đại trà cho hàng ngàn người đi nước ngoài mỗi tháng. Vậy nhu cầu đó giải quyết ra sao khi số tiền cần có lên tới hàng trăm ngàn USD?
Theo ý kiến của một chuyên gia ngân hàng, trước mắt nhà nước cho khoảng 10 -20 điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp của các NHNN được phép thu đổi, bán ngoại tệ cho người có nhu cầu, NHNN kiểm soát chặt chẽ số lượng tiền thu đổi, bán ra theo nhu cầu hợp lệ (có giấy tờ chứng minh) nhằm tránh tình trạng lợi dụng để kinh doanh. Đồng thời, tăng cường nguồn thu từ kiều hối để đưa vào kinh doanh ngoại tệ một cách hợp pháp.
Khi không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ từ ngân hàng, người dân quay lại thị trường tự do là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết hoạt động của thị trường tự do đã không còn công khai, chủ yếu qua hình thức điện thoại, email và trao tiền tận nhà. Do vậy, theo các chuyên gia nếu NHNN không sớm xử lý vấn đề ngoại tệ hợp pháp cho người dân ở thị trường chính thức, thị trường chợ đen sẽ sớm bùng lại trong nay mai.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho rằng, cung ngoại tệ trên thị trường không thiếu nhưng vấn đề là giá cả. Nếu NHNN tạo cơ chế về giá hợp lý để các NHTM có thể mua ngoại tệ được của người dân, các NHTM sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp hiện nay.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong khi các NHTM chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của dân NHNN nên có cơ chế cho phép một số điểm thu đổi ngoại tệ được phép bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu hợp phép thay vì chỉ được mua như hiện nay. Các quầy thu đổi ngoại tệ này trực thuộc các NHTM và chịu sự giám sát chặt chẽ về giá bán và giá mua ngoại tệ.
TPHCM có gần 490 bàn thu đổi ngoại tệ - đại lý của các ngân hàng - được NHNN TPHCM cấp phép hoạt động. Các đại lý này hàng năm thu đổi được khoảng nửa tỷ USD. Trong đó chỉ riêng Ngân hàng Công thương chi nhánh 1 đã tổ chức được 80 đại lý, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh 10 với 50 đại lý, Sở Giao dịch 2 Ngân hàng Công thương VN với 44 đại lý, Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN với 23 đại lý... VCB TPHCM vẫn dẫn đầu với mạng lưới trên 100 đại lý. |
QUANG MINH