Sau khi Chỉ thị số 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tổ chức tín dụng nào vi phạm trần lãi suất sẽ miễn nhiệm chức vụ, đình chỉ người đứng đầu trong thời hạn 3 năm. Đồng thời, tổ chức tín dụng vi phạm cũng bị hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động trong thời hạn 1 năm... Bước đầu các ngân hàng đã thực hiện nghiêm.
Khuyến mãi thu hút tiền gửi
Chị Nguyễn Thị H. cho biết vừa đến hạn sổ tiết kiệm trị giá 3 tỷ đồng đang gởi với lãi suất 19%/năm nhưng giờ gởi lại chỉ được 14%/năm, mặc dù chị là mối quen. Tuy nhiên, chị cũng cho biết hiện nay có nhiều ngân hàng thực hiện các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng vàng, trúng nhiều loại hiện vật khác. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Đại Á đã và đang triển khai chương trình rút thăm trúng vàng - cứ gởi 50 triệu đồng sẽ được một phiếu rút thăm. Hiện có nhiều khách hàng trúng thưởng nóng như thế nên chương trình thu hút được nhiều người. Chị P.A.V. có số tiền gởi đến hạn cũng đang tìm ngân hàng nào huy động lãi suất cao để gởi nhưng chưa được.
Sáng 13-9, PV Báo SGGP cùng chị V. mang tiền đến nhiều điểm giao dịch quen và một số ngân hàng như ACB, SCB, Techcombank, VIB, Đại Á, Eximbank… các nhân viên đều trả lời: “Lãnh đạo bên em đã có chỉ thị không cho thỏa thuận lãi suất. Vì vậy, tụi em chỉ có thể thực hiện đúng quy định, không quá 14%/năm”. Với những câu trả lời chắc nịch như thế nên chị V. đành mang tiền về, chờ cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác, nếu không thì chờ xem có ngân hàng nào khuyến mãi hấp dẫn. Chị dự báo, nếu lãi suất đồng loạt quay về mức chuẩn, chắc chắn các ngân hàng sẽ cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mãi, vì vậy, cuộc đua khuyến mãi có thể sẽ bắt đầu trong nay mai.
Năm ngoái, NHNN cũng đã nhiều lần chỉ thị, nhắc nhở các ngân hàng phải thực hiện đúng quy định về lãi suất nhưng rồi đâu lại vào đấy: ngân hàng huy động vượt trần, cơ quan quản lý nhà nước biết nhưng ít phát hiện xử lý, doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao… Thì nay, ngay sau khi Chỉ thị 02 ra đời, chưa đầy một tuần nhưng hầu như tất cả các ngân hàng đều đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất huy động về đúng mức quy định 14%/năm đối với VNĐ và 2%/năm đối với USD. Nhiều ngân hàng thương mại đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh thực hiện nghiêm trần lãi suất, đồng thời tổ chức kiểm tra nội bộ. Bởi nếu các chi nhánh trực thuộc vi phạm thì người đứng đầu ngân hàng sẽ “bị vạ lây” nên lãnh đạo các ngân hàng phải tự kiểm tra, giám sát hoạt động đơn vị mình. Tuy nhiên, cũng có không ít ngân hàng vẫn trông ngóng, xem động tĩnh thị trường để ứng biến… Vì vậy khả năng chấp hành nghiêm việc huy động đúng trần lãi suất còn cần thời gian kiểm chứng.
Nguồn vốn chưa hanh thông
Nếu các ngân hàng tuân thủ huy động đúng trần lãi suất thì lãi suất cho vay có thể giảm. Nhiều ngân hàng đã đưa ra nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp. Cụ thể, Agribank, VIB và Techcombank đang triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu… xuống còn 17%-19%/năm. Sacombank đã triển khai chương trình “Cho vay VNĐ ưu đãi đặc biệt” đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp - phát triển nông thôn với lãi suất 17%-19%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khách hàng vay được vốn cũng không phải dễ do khối lượng vốn đưa ra còn hạn chế. Đã xuất hiện tình trạng vốn vay liên ngân hàng có mức lãi suất tăng cao so với trước đây, cho thấy một số ngân hàng thương mại cổ phần đang lâm vào tình trạng khát vốn do không huy động được tiền gửi.
Không ít khách hàng muốn vay bằng ngoại tệ, với lãi suất thấp hơn vay bằng tiền đồng VN. Nhưng các ngân hàng chỉ có thể đáp ứng nếu doanh nghiệp chứng minh được hợp đồng xuất nhập khẩu, thanh toán bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng công bố, từ nay đến cuối năm sẽ dành hơn 1.000 tỷ đồng để tài trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi từ 18,3%. Nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ vay được vốn với lãi suất như trên, phải chờ thời gian trả lời…
Thực tế diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác các doanh nghiệp có thật sự vay được vốn với lãi suất ưu đãi như các ngân hàng vừa công bố hay không. Vấn đề đặt ra là cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách quyết liệt để các ngân hàng hoạt động thật sự lành mạnh, không “xé rào” các chính sách để góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiệu quả.
Hàn Ni